Đề thi học sinh giỏi thành phố môn Ngữ văn Lớp 12 - Năm học 2017-2018 - Sở GD và ĐT Thành phố Đà Nẵng (Có đáp án)

doc 4 trang Đăng Bình 08/12/2023 970
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi học sinh giỏi thành phố môn Ngữ văn Lớp 12 - Năm học 2017-2018 - Sở GD và ĐT Thành phố Đà Nẵng (Có đáp án)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docde_thi_hoc_sinh_gioi_thanh_pho_mon_ngu_van_lop_12_nam_hoc_20.doc

Nội dung text: Đề thi học sinh giỏi thành phố môn Ngữ văn Lớp 12 - Năm học 2017-2018 - Sở GD và ĐT Thành phố Đà Nẵng (Có đáp án)

  1. SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI THÀNH PHỐ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG NĂM HỌC 2017-2018 ĐỀ CHÍNH THỨC MÔN NGỮ VĂN LỚP 12 Thời gian làm bài: 150 phút (không tính thời gian giao đề) Câu 1. (4 điểm) - Hãy làm chủ ý chí và làm nô lệ cho lương tâm. (Danh ngôn Tây phương, Aristotle, NXB Đồng Nai, 1997) - Trái tim lầm chỗ để trên đầu (Tâm sự trích Thơ Tố Hữu, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1971) Suy nghĩ của anh, chị về hai câu trên. Câu 2. (6 điểm) Cảm nhận về vẻ đẹp của nhân vật Mị trong đêm cắt dây trói cứu A Phủ (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài) và nhân vật người “vợ nhặt” trong buổi sáng đầu tiên sau ngày về làm vợ Tràng (Vợ nhặt - Kim Lân). - Hết -
  2. SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI THÀNH PHỐ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG NĂM HỌC 2017-2018 HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN 12 Câu 1. (4 điểm) 1. Yêu cầu về kĩ năng - Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội về một tư tưởng, đạo lí. - Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. 2. Yêu cầu về nội dung Học sinh có thể trình bày bài viết theo nhiều cách khác nhau nhưng cần có các ý cơ bản sau: a) Giải thích: - Làm chủ ý chí là khả năng giữ cho lí trí sáng suốt, điều khiển ý thức, tình cảm của bản thân trong hoàn cảnh khó khăn giúp chúng ta đạt được mục đích. - Nô lệ cho lương tâm là biết lắng nghe và làm theo tiếng nói bên trong, tiếng nói của đạo đức giúp chúng ta biết cái gì đúng, cái gì sai. Ý nghĩa của câu thứ nhất: Con người cần dùng lí trí để theo đuổi mục tiêu; đồng thời biết nhận thức và hành động theo sự mách bảo của lẽ phải. - Trái tim là biểu tượng cho cảm xúc, tình cảm; đầu là biểu tượng cho trí tuệ, sự nhận thức lí tính. - Trái tim lầm chỗ để trên đầu: Con người đặt tình cảm lên trên lí trí, để cảm xúc chi phối nhận thức, hành động. Ý nghĩa của câu thứ hai: Con người sống thiên về cảm xúc, tình cảm nên đã đánh mất sự sáng suốt của lí trí, trí tuệ. Hai câu trên bàn về mối quan hệ giữa khả năng điều khiển của ý chí, lí trí và tiếng nói của lương tâm, tình cảm. Con người cần làm chủ lí trí, trí tuệ, không để tình cảm chi phối; đồng thời đề cao vai trò tiếng nói của lương tâm. b) Bàn luận: - Khả năng làm chủ ý chí giúp con người chiến thắng những áp lực, khó khăn của thế giới bên ngoài và đam mê, dục vọng của bản thân. Trong khi đó, tiếng nói của lương tâm giúp con người biết giữ mình, biết làm điều phải, điều thiện, biết day dứt, ăn năn khi làm điều sai, điều ác - Con người cần có trái tim yêu thương, biết quan tâm, thấu hiểu và chia sẻ; đồng thời cũng cần tỉnh táo, sáng suốt làm theo tiếng nói của lí trí để tránh những điều đáng tiếc, hối hận về sau - Sự hòa hợp giữa một trí tuệ sáng suốt, một ý chí mạnh mẽ và một lương tâm trong sáng, một trái tim chân thành giúp con người vươn đến thành công, hạnh phúc, đạt đến sự toàn thiện, toàn mĩ. - Phê phán những người thiếu sáng suốt, không kiên định, dễ dàng nhụt chí và chán nản; không làm chủ được bản thân trước những cám dỗ của dục vọng và vật chất tầm thường; bán rẻ lương tâm mình cho những thứ thấp hèn, sống đời ô nhục; sống thiên về tình cảm, uỷ mị, yếu đuối c) Bài học nhận thức và hành động:
  3. - Nhận thức được sức mạnh của ý chí và lương tâm; biết sống có mục đích, lí tưởng và luôn luôn lắng nghe tiếng nói của lương tâm; tỉnh táo, sáng suốt, tránh để cảm xúc chi phối. - Con người cần biến ý chí thành hành động cụ thể; sống lương thiện để tâm hồn thanh thản; cân bằng, hài hoà giữa cảm xúc và lí trí 3. Biểu điểm - Điểm 4: Bài làm đạt các yêu cầu nêu trên. Có thể còn vài sai sót nhỏ. - Điểm 3: Nắm vững yêu cầu đề, trình bày tương đối đầy đủ các yêu cầu về nội dung. Bố cục cân đối. Diễn đạt rõ ý. - Điểm 2: Hiểu được yêu cầu của đề bài. Nêu được một số ý cơ bản song bài viết còn bộc lộ nhiều hạn chế. Diễn đạt nhiều chỗ còn lúng túng. - Điểm 1: Hiểu đề song bài viết còn sơ lược. Diễn đạt yếu, mắc nhiều lỗi. - Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề hoặc chỉ viết vài dòng chiếu lệ. Câu 2. (6 điểm) 1. Yêu cầu về kĩ năng - Biết cách làm bài văn so sánh, phân tích hai hình tượng nghệ thuật. Bố cục rõ ràng, chặt chẽ, cân đối; diễn đạt mạch lạc, có cảm xúc. - Biết xây dựng luận điểm và phân tích để làm sáng tỏ những điểm tương đồng và khác biệt về vẻ đẹp của hai nhân vật. 2. Yêu cầu về nội dung Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau: a) Giới thiệu sơ lược về Tô Hoài, Kim Lân; tác phẩm Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt; vẻ đẹp của Mị trong đêm cắt dây trói cứu A Phủ và người “vợ nhặt” trong buổi sáng sau ngày về làm vợ Tràng. b) So sánh - phân tích, cảm nhận vẻ đẹp của Mị trong đêm cắt dây trói cứu A Phủ và người “vợ nhặt” trong buổi sáng sau ngày về làm vợ Tràng: * Giống nhau: - Ở Mị và người “vợ nhặt” đều có sự trỗi dậy của sức sống, khát vọng sống, niềm tin tưởng hi vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. - Vẻ đẹp của hai nhân vật góp phần thể hiện tư tưởng nhân đạo, nhân văn của Tô Hoài và Kim Lân. * Khác nhau: ► Nhân vật Mị: - Tấm lòng thấu hiểu, đồng cảm và yêu thương của con người cùng hoàn cảnh, thân phận đau khổ, bất hạnh (Mị nhớ mình đã từng bị trói, thương xót A Phủ và quyết định cắt dây trói giải cứu A Phủ) - Khát vọng sống mãnh liệt bộc lộ trong khoảnh khắc Mị đối diện với cái chết, Mị vùng lên tự giải phóng bản thân. Vẻ đẹp của Mị là vẻ đẹp của bản năng sinh tồn mạnh mẽ và khát vọng tự do cháy bỏng. (Mị vùng chạy theo A Phủ) - Vẻ đẹp của Mị được khám phá trên nền xung đột giai cấp gay gắt, những hủ tục lạc hậu ở xã hội miền núi phía Bắc trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 và được khắc họa bằng nghệ thuật miêu tả tâm lí đặc sắc của Tô Hoài.
  4. ► Nhân vật người “vợ nhặt”: - Sự hồi sinh của vẻ đẹp nữ tính, sự trở lại của bản tính hiền hậu, đảm đang, tháo vát. (sự thay đổi của ngôi nhà Tràng, hình ảnh của thị trong mắt Tràng, những câu đối thoại với mẹ chồng ) - Khát vọng sống của người “vợ nhặt” thể hiện ở niềm hạnh phúc gia đình giản đơn mà ấm áp, niềm tin tưởng, hi vọng, khát khao hướng về một tương lai tốt đẹp. (sự thay đổi trong thái độ của thị so với lúc mới về nhà Tràng: thị vui vẻ quét dọn, ý thức được vai trò của người vợ, cùng mọi người gây dựng, chắt chiu hạnh phúc và hi vọng vào tương lai) - Vẻ đẹp của nhân vật người “vợ nhặt” được khám phá trong bối cảnh đời thường khi con người đối diện với cái đói, cái chết và được miêu tả chủ yếu qua cái nhìn, tâm trạng của nhân vật Tràng. c) Đánh giá - Khẳng định vẻ đẹp độc đáo của từng nhân vật và giá trị tư tưởng sâu sắc của hai tác phẩm. - Vẻ đẹp của Mị và người “vợ nhặt” góp phần thể hiện đặc điểm của văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 và sức sống tiềm tàng nhưng mãnh liệt của người Việt Nam trong hoàn cảnh khắc nghiệt. 3. Biểu điểm - Điểm 6: Đảm bảo đầy đủ các yêu cầu trên, bài viết có cảm xúc. Có thể còn mắc một vài sai sót nhỏ. - Điểm 4-5: Hiểu đúng yêu cầu của đề. Đảm bảo được những ý cơ bản nhưng kĩ năng so sánh, phân tích vài chỗ còn hạn chế. - Điểm 2-3: Hiểu yêu cầu của đề nhưng bài làm còn thiếu một số ý, kĩ năng so sánh, phân tích còn hạn chế, mắc nhiều lỗi diễn đạt. - Điểm 1: Hiểu nội dung của đề nhưng phân tích chung chung, thiếu định hướng. Diễn đạt kém. - Điểm 0 : Bỏ giấy trắng hoặc hiểu sai yêu cầu của đề bài. Lưu ý: - Cần chú ý khuyến khích những bài viết hay, sáng tạo. - Giám khảo có thể cho điểm lẻ đến 0,25.