Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn - Đề số 2 (Có đáp án)
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn - Đề số 2 (Có đáp án)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- de_thi_thu_thpt_quoc_gia_mon_ngu_van_de_so_2_co_dap_an.doc
Nội dung text: Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn - Đề số 2 (Có đáp án)
- ĐỀ ÔN TẬP SỐ 2 Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm) Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu: QUÁN HÀNG PHÙ THỦY Một phù thủy Mở quán hàng nho nhỏ: “Mời vào đây Ai muốn mua gì cũng có!” Tôi là khách đầu tiên. Từ bên trong Phù thủy ló ra nhìn: “Anh muốn gì?” “Tôi muốn mua tình yêu, Mua hạnh phúc, sự bình yên, tình bạn ” “Hàng chúng tôi chỉ bán cây non. Còn quả chín, anh phải trồng. Không bán!” (Theo K. Badjadjo Pradip – Thái Bá Tân dịch) Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. Câu 2. Theo tác giả, “cây non”, “quả chín” trong bài thơ mang ý nghĩa gì? Câu 3. Theo anh/chị, qua ước muốn mua hạnh phúc, sự bình yên, tình bạn ta hiểu khách là người như thế nào? Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm của phù thủy ở hai dòng thơ cuối bài không? Vì sao? II. LÀM VĂN (7.0 điểm) Câu 1 (2.0 điểm) Từ đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày quan điểm của mình về ý kiến: Hạnh phúc là có việc gì đó để làm, người nào đó để yêu và điều gì đó để hi vọng.
- Câu 2 (5.0 điểm) Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài đã hai lần miêu tả tâm trạng của Mị gắn với căn buồng Mị nằm và ô cửa sổ buồng Mị. Lúc mới về làm dâu: “Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trong ra, đến bao giờ chết thì thôi.” Và trong đêm tình mùa xuân, khi nghe tiếng sáo gọi bạn tình: “Bấy giờ Mị ngồi xuống giường, trông ra cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trắng trắng. Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước.” (Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài, Ngữ văn 12, Tập hai) Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị qua hai lần miêu tả trên. Từ đó làm nổi bật sức sống tiềm tàng của Mị trong đêm tình mùa xuân.
- HƯỚNG DẪN GIẢI Nội dung Điểm ĐỌC HIỂU 3.0 Câu 1: 0.5 Phương thức biểu đạt chính của văn bản: Tự sự Câu 2: Theo tác giả, “cây non”, “quả chín” là những hình ảnh ẩn dụ, hàm chứa những ý nghĩa triết lý sâu sắc. - “Cây non”: nguyên liệu ban đầu để tạo nên hạnh phúc - “Quả chín”: thành quả của quá trình chăm sóc, vun đắp nhằm đạt tới hạnh phúc của mỗi người. 0.5 - Muốn “cây non” sinh trưởng, phát triển để đơm hoa, kết trái, con người cần tích cực chăm sóc, nuôi dưỡng. Chỉ có sức lao động, bàn tay con người mới có thể biến “cây non” thành “quả chín” và đó là quá trình lâu dài cần chờ đợi, từ đó mới đem lại ý nghĩa của sự thu hoạch trong đời. Câu 3: Qua ước muốn mua hạnh phúc, sự bình yên, tình bạn, ta thấy: - Khách là người khao khát những giá trị tinh thần tốt đẹp trên đời: hạnh phúc, bình yên, tình bạn. 0.5 - Khách còn là người hóm hỉnh, lời hỏi giống như một phép thử đối với quyền năng của phù thủy. Câu 4: Thí sinh có thể đồng tình hoặc không đồng tình. Dưới đây là gợi ý: - Không ai có thể dùng tiền để mua được bình yên và hạnh phúc, kể cả tình bạn chân chính. Bởi bình yên, hạnh phúc, tình bạn đều là những giá trị tinh thần. Tiền là của cải vật chất. Mà vật chất thì không thể mua được những giá trị tinh thần cao quý và chân chính. 1.5 - Để có được thành quả, con người phải nỗ lực không ngừng. Quá trình chinh phục ước muốn cũng giống như việc trồng cây. Muốn có thành quả, ta phải bỏ ra nhiều thời gian, công sức, tâm huyết. Bình yên, hạnh
- phúc, là thứ “cây non” mà mỗi người phải “trồng”, chăm sóc, vun vén để đạt được “quả chín”. Muốn đạt được hạnh phúc, con người phải nỗ lực không ngừng trong cuộc sống. LÀM VĂN 7.0 Câu 1: Hạnh phúc là có việc gì đó để làm, người nào đó để yêu và điều gì đó 2.0 để hi vọng. a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – 0.25 phân – hợp, móc xích hoặc song hành. b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận 0.25 Quan niệm về hạnh phúc c. Triển khai vấn đề nghị luận Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề theo nhiều cách nhưng cần làm rõ quan niệm về hạnh phúc. Có thể theo hướng sau: - Giải thích: Hạnh phúc, đôi khi thật đơn giản: có một công việc làm hàng ngày để đem lại niềm vui, sự hứng khởi, để tồn tại: có một người yêu thương quan tâm và luôn hướng về ngày mai với hi vọng tốt đẹp. Điều đó có nghĩa rằng, hạnh phúc không chỉ nằm ở mục đích, đối tượng mà là hành trình chúng ta đang đi. Hạn phúc đôi khi là cảm nhận của chúng ta về mục đích và con đường đó. Con 1.0 người đều có thể tìm thấy hạnh phúc trong đời. - Phân tích, bàn luận: + Việc gì đó để làm, ai đó để yêu và điều gì đó để hi vọng: vừa là mục đích, vừa là động lực để thôi thúc con người sống ý nghĩa và nhân văn hơn. + Hạnh phúc, đôi khi không phải là đích đến mà là hành trình để đạt được nó của mỗi người. Khi đó, con người sẽ nghiệm ra được những bài học quý giá mà cuộc đời ban tặng. - Bài học: tìm kiếm một công việc yêu thích, yêu thương và quan tâm tới mọi người, và không ngừng hi vọng về một ngày mai sẽ tốt đẹp hơn. d. Chính tả, dùng từ, đặt câu 0.25
- Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt. e. Sáng tạo 0.25 Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận. Câu 2: Cảm nhận về tâm trạng của nhân vật Mị trong hai thời điểm: lúc về làm dâu nhà thống lí và đêm tình mùa xuân (Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài). Từ 5.0 đó, làm nổi bật sức sống của Mị trong đêm tình mùa xuân. a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận Mở bài giới thiệu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài 0.25 khái quát được vấn đề. b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận 0.25 Sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân. c. Triển khai vấn đề nghị luận Vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm - Tô Hoài là nhà văn lớn của văn học Việt Nam hiện đại. Chuyến đi Tây Bắc đã đem đến cho ông có vốn hiểu biết phong phú về đời sống tinh thần các dân tộc miền núi, nhất là người Mông. Ông là cây bút có biệt tài kể chuyện hóm hỉnh với vốn từ vựng phong phú, tài quan sát miêu tả tỉ mỉ tinh tế. 0.5 - Vợ chồng A Phủ nằm trong tập Truyện Tây Bắc, là kết quả chuyến đi thực tế của nhà văn theo chân bộ đội giải phóng Tây Bắc. Thông điệp nhà văn muốn gửi gắm qua tập truyện là: Cách mạng đổi đời người dân miền núi. - Nhân vật trung tâm các tác phẩm là Mị, một cô gái có số phận bất hạnh, bị đọa đày nhưng tiềm tàng một sức sống, tinh thần phản kháng mãnh liệt và tinh thần đấu tranh tự giải phóng. Mị lúc mới về làm dâu: - Mị bị áp bức bóc lột cả về thể chất và tinh thần trong kiếp đời con dâu gạt nợ. - Hậu quả: Mị bị chai lì cảm xúc, Mị mất ý niệm về thời gian, về sự tồn
- tại, về hạn phúc. Mị dần quen với khổ đau. - Hình ảnh căn phòng tối cùng một ô cửa sổ bằng bàn tay: + Với gam màu xám lạnh, u tối, Tô Hoài đã cho người đọc cảm nhận được không gian sống của Mị: “Mỗi ngày, Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Căn buồng Mị nằm kín mít, chỉ có ô vuông bằng bàn tay trông ra chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Mị cứ ngồi đấy mà trông ra ngoài, đến khi nào chết thì thôi”. Đây là chi tiết nằm ở phần giữa tác phẩm, miêu tả không gian sống của Mị ở nhà thống lí Pá Tra. Hình ảnh căn phòng nhỏ u tối là ẩn dụ cho sự giam cầm con người và thủ tiêu ý chí sống của họ. Sau ý định tìm lá ngón tự tử không thành vì thương cha, Mị dập tắt ngọn lửa lòng về nhà thống lí và tiếp tục chôn vùi tuổi xuân của mình trong địa ngục trần gian đó. + Căn buồng ấy kín mít, có ô vuông bằng bàn tay. Hình ảnh đó giàu sức gợi, khiến người ta liên tưởng đến nhà tù, một thứ ngục thất đang giam hãm 1.0 đời Mị. Đó là một không gian nhỏ bé, trơ trọi đối lập với một thế giới bên ngoài lồng lộng của mây trời, gió núi, của hương hoa rừng Tây Bắc, nó đối lập với cái giàu có, tấp nập của nhà thống Lí Pá Tra. Nó không phải là căn buồng của cô con dâu nhà giàu có nhiều tiền, nhiều thuốc phiện nhất vùng mà đó là chỗ ở của con ở, thậm chí không bằng con ở. Căn buồng ấy giống như một miền đời bị quên lãng. + Trong căn buồng ấy, chân dung số phận khổ đau của đời Mị được nhà văn khắc họa thật rõ nét: Mị sống câm lặng như đá núi “không nói”, lầm lũi, chậm chạp trơ lì như con rùa quẩn quanh nơi xó cửa. Nếu ở trên, Mị có lúc tưởng mình là con trâu con ngựa – nhưng hình ảnh đó mới chỉ gợi nỗi khổ cực vì lao động vất vả thì hình ảnh “con rùa” có sức ám ảnh mang ý nghĩa về thân phận bị đè nén, bị bỏ quên. Mị mất hết ý niệm về không gian, thời gian: chỉ thấy rằng trăng trắng không biết là sương hay là nắng. Cuộc sống của Mị không có sắc màu, âm thanh, không có cả ngắn dài thời gian, không chia biệt đêm ngày. + Không chỉ có thế, Mị còn không có ý thức về sự sống đợi đến bao giờ chết thì thôi. Phải chăng thứ ngục thất tinh thần ấy đã làm héo mòn, tàn úa
- từng ngày tháng tâm hồn Mị. Mị sống như loài thảo mộc cỏ cây không hương không sắc, lay lắt, dật dờ, vô hồn, vô cảm. Không còn nữa một cô Mị đẹp như đóa ban trắng của núi rừng Tây Bắc vừa thắm sắc, đượm hương, một cô Mị khao khát tình yêu và tự do có ý thức sâu sắc về quyền sống, từng thiết tha xin cha “đừng gả con cho nhà giàu”, từng có ý định ăn lá ngón để kết thúc chuỗi ngày sống mà như chết. Như vậy, vượt lên trên nghĩa tả thực về không gian sống của Mị, căn buồng ấy là biểu tượng cho ngục thất tinh thần, địa ngục trần gian giam cầm khát vọng sống, khát vọng tự do của đời Mị. + Chi tiết đó đã góp phần thể hiện tư tưởng, thái độ của nhà văn. Nhà văn đã tố cáo sâu sắc chế độ cai trị miền núi đã đầy đọa con người, làm tê liệt quyền sống, quyền khao khát hạnh phúc của họ. Đồng thời, Tô Hoài bày tỏ tấm lòng xót xa thương cảm cho số phận người phụ nữ vùng núi cao Tây Bắc khi cách mạng chưa về. Đó cũng là cảm hứng nhân đạo quen thuộc trong văn học. Mị trong đêm tình mùa xuân: - Sự tác động của bối cảnh bên ngoài đối với Mị trong đêm mùa xuân. Mùa xuân năm ấy ở Hồng Ngày đẹp và gợi cảm biết bao: “Trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong, ngô lúa xếp yên đầy các nhà kho. Trẻ con đi hái bí đỏ, tinh nghịch, đã đốt những lều canh nương để sưởi lửa Hồng Ngài năm ấy ăn tết giữa lúc gió thổi và cỏ ranh vàng ửng Trong các làng Mèo, những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xòe như con bướm, sặc sỡ Đám trẻ đợi Tết, chơi quay, cười ầm trên sân trước nhà. Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi”. Chính không gian rộn rã sắc màu cùng tiếng sáo tha thiết đã đánh thức cô Mị ngày xưa. Tiếng sáo như chạm vào nỗi nhớ. Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bồi hồi. Mị ngồi nhẩm lại bài hát của người đang thổi 1.0 - Mùa xuân đó đầy sắc màu, rộn rã âm thanh. Điều ấy xa lạ với không gian trong căn phòng bé nhỏ của Mị, nhưng gần gũi với thế giới mà Mị đã từng sống rất hạnh phúc. Chúng gợi cho Mị nhớ lại thời xa xưa. Ngày xưa, Tết Mị uống rượu. Bây giờ, Mị cũng uống rượu. Rồi Mị
- say. - Mị nhìn ra cửa sổ, trong lòng thấy phơi phới trở lại như những đêm Tết ngày trước. - Sự đối lập giữa hoàn cảnh đêm xuân, giữa thế giới được đánh thức với cuộc sống thực tại: Khi say, Mị nhớ và sống lại với ngày xưa, nhưng thực ra, Mị vẫn đang ở nhà thống lý Pá Tra. Mị vẫn sống kiếp đọa đày với A Sử. Sự đối lập giữa một bên là hạnh phúc tuổi trẻ với một bên là kiếp sống trâu ngựa đã khiến Mị suy nghĩ đến việc kết liễu đời mình như ngày mới về làm dâu nhà thống lý. Mị lại ước gì có nắm lá ngón trong tay, Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ không buồn nhớ lại nữa. Càng nhớ lại chỉ thấy nước mắt ứa ra. Ôi chao, tiếng sáo ấy, tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường. Mị đang muốn quên đi, Mị không muốn nhớ lại cái ngày trước mà không được. Tiếng sáo ấy lửng lơ, tiếng sáo ấy làm Mị thiết tha bồi hồi. Mị muốn đi chơi. Mị muốn thoát ra ngoài cái ô của mờ đục, trăng trắng này! Ô cửa sổ bằng bàn tay đó còn là biểu tượng của hi vọng. Khi ý thức và lòng khao khát sống trỗi dậy mãnh liệt, nó trở thành cánh cửa đưa Mị thoát khỏi chốn tù ngục giam hãm tâm hồn bấy lâu. Sự hồi sinh của sức sống tiềm tàng trong con người Mị. - Vẫn là cửa sổ ấy, nhưng khi sức sống và lòng yêu đời trỗi dậy, Mị không tưởng tượng mình sẽ chết già một cách vô nghĩa mà thấy lòng vui phơi phới trở lại. Ngoại cảnh (tiếng sáo) tác động với tâm hồn Mị, khiến Mị bừng tỉnh. Nhưng tâm cảnh (cảm xúc của Mị) cũng quyết định tính chất của ngoại cảnh. - Cuộc trỗi dậy lần thứ nhất của Mị không thành. Mị không thoát khỏi căn nhà ấy, dù chỉ một phút giây. Nhưng Mị đã không còn là con ngựa, 1.0 con rùa lùi hũi nơi xó cửa nữa. Mị đã sống lại những thời khắc của tuổi thanh xuân tươi trẻ và tự do. Vì thế, khi bị A Sử trói, lúc bàng hoàng tỉnh, Mị chợt nhớ đến câu chuyện một người đàn bà trong nhà này bị trói đến chết không ai hay. Và, Mị sợ quá, Mị còn muốn sống, Mị còn ham sống.
- - Cuộc trỗi dậy như một đợt sóng dâng lên rồi tràn ra. Nó không làm mảy may thay đổi cuộc đời Mị. Nhưng từ đó, sóng ngầm vẫn không mất. Nó sẽ tuôn trào thành những đợt sóng mới, mãnh liệt hơn lúc nào hết, bằng chứng là hành động cởi trói cho A Phủ và cùng anh ta trốn khỏi Hồng Ngài sau này, Đánh giá: Sự hồi sinh của Mị chứng tỏ sức sống bền bỉ của người lao động trước sự vùi dập của những thế lực bạo tàn. Qua đó, ta cảm nhận 0.5 được sâu sắc ngòi bút nhân đạo và nghệ thuật khắc họa tâm lí sắc sảo của nhà văn Tô Hoài. d. Chính tả, dùng từ, đặt câu 0.25 Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt. e. Sáng tạo 0.25 Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận. TỔNG ĐIỂM: 10.0