Báo cáo chuyên đề Các kĩ thuật hỗ trợ việc giảng dạy kĩ năng nghe

doc 5 trang Đăng Bình 08/12/2023 380
Bạn đang xem tài liệu "Báo cáo chuyên đề Các kĩ thuật hỗ trợ việc giảng dạy kĩ năng nghe", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docbao_cao_chuyen_de_cac_ki_thuat_ho_tro_viec_giang_day_ki_nang.doc

Nội dung text: Báo cáo chuyên đề Các kĩ thuật hỗ trợ việc giảng dạy kĩ năng nghe

  1. BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ CÁC KĨ THUẬT HỖ TRỢ VIỆC GIẢNG DẠY KĨ NĂNG NGHE Giáo Viên: Trần Hữu Minh Trí Trường: THCS Nguyễn Huệ Tổ: Ngoại Ngữ I) THỰC TRẠNG GIẢNG DẠY KĨ NĂNG NGHE TRONG CÁC TRƯỜNG THCS. Trong những năm gần đây, cùng với xu hướng hội nhập hóa, toàn cầu hóa đang diễn ra khắp nơi trên thế giới, đất nước ta cũng đang từng bước mở cửa tiếp nhận những luồng văn hóa, kiến thức, kĩ thuật, công nghệ từ nhiều quốc gia, đặc biệt là những quốc gia sử dụng tiếng Anh. Đứng trước thách thức, cơ hội to lớn đó, ngành giáo dục và đào tạo nói chung cùng mỗi giáo viên bộ môn tiếng Anh nói riêng vinh dự lãnh trách nhiệm bổ trợ, nâng cao kĩ năng Anh ngữ cho các thế hệ học sinh hiện tại và trong tương lai. Với chủ trương tập trung phát triển các kĩ năng giao tiếp thay vì chú trọng giảng dạy kiến thức ngữ pháp như trong những năm trước, giờ đây các kĩ năng giao tiếp như Nghe và Nói đã được đưa lên một tầm ưu tiên, quan trọng chưa từng có. Tuy nhiên, để giảng dạy một kĩ năng tiếp nhận (Receptive skill) khó như kĩ năng Nghe lại là một điều không hề dễ dàng chút nào. Trong thực tế, khi học tập một môn ngoại ngữ, đa phần học sinh đều gặp khó khăn khi phát triển, cải thiện kĩ năng Nghe của mình. Một số lý do khách quan cho hiện trạng này có thể nhắc đến sự thiếu hụt, lạc hậu của các phương tiện, trang thiết bị dạy học như máy nghe băng/đĩa hoặc các phòng bộ môn tiếng Anh, phòng phương tiện truyền thông (multimedia). Về các lý do chủ quan, những khó khăn khi học tập, giảng dạy bộ môn Nghe còn do việc sử dụng chất giọng (accent) địa phương của giáo viên khi phát âm tiếng Anh, chưa được đào tạo, huấn luyện những kĩ thuật giảng dạy kĩ năng Nghe tiên tiến trên thế giới. Chuyên đề hôm nay sẽ tập trung phân tích cách thiết lập một dàn bài cụ thể khi soạn thảo, giảng dạy một tiết học Nghe cùng những kĩ thuật có thể được sử dụng vào trong từng phân đoạn của bài giảng. 1
  2. II) KHẢO SÁT DÀN BÀI CỦA MỘT TIẾT DẠY KĨ NĂNG NGHE. Theo các chương trình bồi dưỡng đào tạo hiện đang được giảng dạy tại các trường Đại học khắp nơi trên thế giới, mỗi một tiết học tiếng Anh sẽ được phân chia thành nhiều phần khác nhau giúp giáo viên có được cái nhìn tổng quát hơn về tiết dạy của mình, từ đó dễ dàng hơn trong việc soạn thảo các hoạt đông, bài tập cho từng phần. Nếu như các tiết học ngữ pháp, từ vựng được chia thành 3 phần theo phương pháp P-P-P (Presentation – Practice – Production) thì 4 bốn kĩ năng Nghe- Nói-Đọc-Viết lại được chia thành 3 phần Pre-/While-/Post- (vd: Pre-Listening, While-Listening, và Post-Listening). Sau đây chúng ta sẽ cùng lược qua mục tiêu cụ thể và tầm quan trong của từng giai đoạn được áp dụng trong một giờ dạy kĩ năng Nghe. - Pre-(Listening): Phần/ giai đoạn này đóng vai trò mở đầu cho một tiết dạy nghe. Trong phần này, học sinh sẽ được làm quen với chủ đề, nội dung, một từ vựng hoặc ngữ pháp mà học sinh sẽ gặp phải trong đoạn băng sắp được nghe. Đây là phần mà tôi cho là quan trọng nhất trong một tiết dạy và học nghe, vì nó là nhân tố chính tạo tiền đề cho học sinh thực hiện thành công các giai đoạn còn lại của bài nghe, từ đó quyết định thành công, sự hiệu quả của cả tiết học. Giáo viên cần áp dụng một hoặc nhiều kĩ thuật giảng dạy bộ môn nghe vào giai đoạn này để gợi cảm hứng và hỗ trợ cho học sinh tốt hơn. - While-(Listening): Đây là giai đoạn thực hành, khi học sinh sử dụng những kiến thức đã được học trong phần Pre-listening để tiến hành các hoạt động, bài tập về kĩ năng nghe. Giáo viên sẽ sử dụng máy nghe và băng đĩa hoặc đọc văn bản trong tài liệu học tập để học sinh có thể nghe và hoàn thành bài tập, hoạt động của mình. Để tiến hành giai đoạn này tốt, giáo viên cần bao quát được lớp học, giữ trật tự và kịp thời hỗ trợ, giải đáp thắc mắc của học sinh, cũng như xử lý các sự cố kĩ thuật có thể gặp phải. Trong phần While-Listening, học sinh cần được nghe văn bản ít nhất từ hai tới ba lần để đạt hiệu quả tốt nhất. - Post-(Listening): Phần/ giai đoạn này nhắm đến hai mục tiêu chính. o Kiểm tra lại mức độ thông hiểu (comprehension) của học sinh sau khi đã nghe và tiến hành thực hiện hoạt đông, bài tập được yêu cầu. Giáo viên có 2
  3. thể thiết kế một số câu hỏi, trò chơi giúp học sinh ôn lại kiến thức, nội dung liên quan tới văn bản để nghe. o Sử dụng kiến thức, kĩ năng nghe vừa đạt được thông qua hoạt động nghe để phát triển các kĩ năng khác như đọc, viết, nói. Một trong số các hoạt động phổ biến nhất ở giai đoạn này có thể kể đến hoạt động thảo luận câu hỏi, chủ đề (topic discussion). III) CÁC KĨ THUẬT ĐỂ CẢI THIỆN MỘT TIẾT DẠY NGHE. Phần này của chuyên đề sẽ giới thiệu một số kĩ thuật, phương pháp có thể áp dụng vào một tiết dạy nghe. Các kĩ thuật dưới đây sẽ được chia thành 3 loại, ứng với ba phần của một tiết dạy nghe (Pre-Listening, While-Listening, và Post-Listening) 1) Pre-Listening: a) Sử dụng tranh ảnh: Giáo viên dẫn dắt, giới thiệu chủ đề của bài nghe bằng cách cung cấp một số tranh, ảnh cho học sinh. Học sinh có thể được yêu cầu đoán nội dung bài nghe bằng những bức tranh gợi ý. Phương pháp này đặc biệt hữu dụng với học sinh lứa tuổi trung học cơ sở, nhất là các em học sinh lớp sáu, lớp bảy nếu các bức tranh được sử dụng có màu sắc tươi sáng, ngộ nghĩnh. Ngoài ra, một trong bảy loại hình thông minh (The Theory of Multiple Intelligences) chính là loại hình thông minh hình ảnh (visual intelligence). Với các học sinh sở hữu loại hình thông minh này, việc sử dụng các giáo cụ trực quan, cụ thể là tranh ảnh sẽ giúp các em dễ dàng hơn trong việc tiếp cận, ghi nhớ kiến thức mới. b) Trình chiếu phim ngắn: Giáo viên chiếu một đoạn phim ngắn mô tả sơ lược về nội dung đề tài. Sau khi học sinh xem xong, giáo viên có thể đưa ra một số câu hỏi thông hiểu đã chuẩn bị trước. Hoạt động này giúp việc giới thiệu các chủ đề trừu tượng, trúc trắc trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn. Có thể kết hợp vừa trình chiếu phim, vừa đưa tranh ảnh để tăng tính hiệu quả. c) Trò chơi ghi nhớ (Memorize game) Kĩ thuật này thường được kết hợp với việc trình chiếu phim ngắn. Thông thường, sau khi xem xong một đoạn phim, giáo viên có thể yêu cầu một số học sinh liệt kê những gì mình được xem, hoặc tóm tắt nội dung chủ đề. Ngoài ra, giáo viên có thể chuẩn bị sẵn các câu hỏi thông hiểu (với học sinh cấp THCS, có thể dùng hoàn toàn các câu hỏi Yes/No) để học sinh trả lời. 3
  4. d) Kĩ thuật động não (Brainstorming) Đây là một trong những kĩ thuật phổ biến trong giảng dạy các môn ngoại ngữ hiện nay. Giáo viên sẽ đưa ra chủ đề liên quan đến hoạt động nghe ; học sinh hoạt động theo nhóm từ bốn tới sáu học sinh và liệt kê tất cả những ý tưởng liên quan tới chủ đề đó. Khi thực hiện kĩ thuật này, giáo viên nhắc học sinh chú trọng vào tìm kiếm ý tưởng mà không cần quá tập trung vào vấn đề ngữ pháp. e) Tìm từ khóa Đây là kĩ thuật gần như không thể thiếu trước khi tiến hành hoạt động nghe. Mỗi học sinh sẽ đọc văn bản hoặc câu hỏi cho sẵn và gạch chân, đánh dấu những từ khóa quan trọng. Những từ khóa này sẽ giúp học sinh dễ dàng hoàn thành các bài tập được giao hơn. f) Dự đoán (Prediction) Đây là kĩ thuật khá phổ biến khi giảng dạy các tiết học nghe và đọc. Cụ thể, học sinh có thể được yêu cầu dự đoán nội dung của văn bản sắp nghe/ đọc nếu như văn bản đó có tranh ảnh minh họa. Ngoài ra, với một số bài tập như True/False hay điền từ, giáo viên cũng có thể yêu cầu học sinh dự đoán kết quả nhờ vào các điểm ngữ pháp hoặc kiến thức đời sống của mỗi cá nhân. 2) Post-Listening: a) Kĩ thuật hỏi đáp 1 phút. Sau khi tiến hành hoạt động nghe, giáo viên gọi một số học sinh để trả lời các câu hỏi thông hiểu được chuẩn bị sẵn. Học sinh có thể suy nghĩ và trả lời nhưng không được vượt quá thời hạn một phút. Đây là một hoạt động khá thú vị và có thể khiến lớp học trở nên sôi động nếu giáo viên chuẩn bị những câu hỏi hay, hấp dẫn. b) Thảo luận chủ đề. Giáo viên cung cấp một chủ đề liên quan đến nội dung bài nghe để học sinh thảo luận theo từng nhóm. Các chủ đề cần được thiết kế để học sinh mở rộng kiến thức thu được sau bài nghe nhưng cũng phải phù hợp với năng lực, kiến thức thực tế của học sinh. Hoạt động này nhằm tăng cường khả năng nói của học sinh và nên được sử dụng thường xuyên khi giảng dạy các tiết học nghe. 4
  5. c) Tóm tắt nội dung. Học sinh thảo luận theo cặp để tóm tắt lại nội dung của bài nghe. Sau đó, giáo viên sẽ gọi một số học sinh trình bày phần tóm tắt của mình. Hoạt động này giúp tăng cường ngữ pháp và khả năng nói của học sinh. d) Viết đoạn văn ngắn. Giáo viên yêu cầu học sinh hoạt động theo nhóm và viết một đoạn văn ngắn tóm tắt lại nội dung bài nghe hoặc viết về một chủ đề được giao. Chủ đề viết cần phù hợp với trình độ của học sinh, tiến trình dạy học và hơn hết phải liên quan và mở rộng những kiến thức trong bài nghe. Ngoài ra, giáo viên có thể đưa hoạt động này thành bài tập về nhà; học sinh về nhà làm và nộp lại vào buổi học hôm sau. IV) TỔNG KẾT Giảng dạy một tiết học nghe, trái với quan niệm thông thường, là một công việc không đơn giản. Trước hết, giáo viên cần xác định, phân chia từ trước một tiết dạy thành ba phần/giai đoạn Pre-Listening, While-Listening và Post-Listening để có cái nhìn tốt hơn về những quá trình cần thực hiện. Tiếp theo, giáo viên cần lựa chọn một số hoạt động phù hợp với từng phần để đưa vào bài giảng. Theo ý kiến cá nhân, phần Pre-Listening đóng vai trò quan trọng nhất trong một tiết học nghe vì nó giúp học sinh làm quen, chuẩn bị tốt để đạt hiệu quả tốt nhất khi bắt đầu nghe. Thông qua chuyên đề này, tôi hi vọng có thể góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập đối với một giờ dạy nghe tại các trường THCS. 5