Đề cương ôn tập môn Ngữ văn Lớp 9 - Trường THCS Tây Sơn

doc 11 trang Đăng Bình 11/12/2023 740
Bạn đang xem tài liệu "Đề cương ôn tập môn Ngữ văn Lớp 9 - Trường THCS Tây Sơn", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docde_cuong_on_tap_mon_ngu_van_lop_9_truong_thcs_tay_son.doc

Nội dung text: Đề cương ôn tập môn Ngữ văn Lớp 9 - Trường THCS Tây Sơn

  1. NỘI DUNG ÔN TẬP NGỮ VĂN LỚP 9 CẢNH NGÀY XUÂN (Trích “Truyện Kiều” của Nguyễn Du) Mở bài: Nêu được các ý cơ bản sau: - “Cảnh ngày xuân” trích “Truyện Kiều” của đaị thi hào Nguyễn Du là một trong những đoạn thơ thành công nhất về nghệ thuật tả cảnh. - Đó là bức tranh thiên nhiên, lễ hội mùa xuân tươi đẹp, tràn trề nhựa sống và man mác tình được gợi lên qua từ ngữ, bút pháp miêu tả giàu chất tạo hình của Nguyễn Du Thân bài: Khái quát: Đoạn thơ tả cảnh ngày xuân, trong tiết thanh minh, chị em Kiều đi du xuân . Đây là đoạn thơ nằm liền sau đoạn mở đầu giới thiệu gia cảnh họ Vương và tài sắc của chị em Thúy Kiều. Đoạn thơ gồm 18 câu, kết cấu theo trình tự thời gian của một chuyến du xuân: 4 câu thơ đầu: Khung cảnh thiên nhiên với vẻ đẹp riêng của mùa xuân. 8 câu thơ tiếp: Cảnh lễ hội trong tiết Thanh minh 6 câu cuối: Cảnh chị em Kiều du xuân trở về 4 câu thơ đầu: Khung cảnh ngày xuân: - Hai câu đầu: + Vừa nói thời gian vừa gợi không gian mùa xuân. Ngày xuân thấm thoắt trôi mau, tiết trời đã bước sang tháng ba. Trong tháng cuối cùng của mùa xuân, những cánh én vẫn rộn ràng bay liệng giữa bầu trời trong sáng như thoi đưa và “Thiều quang”- ánh sáng tươi đẹp đang rọi chiếu trên từng cảnh vật. + Cách nói ẩn dụ “con én đưa thoi” ngoài việc diễn tả thời gian trôi nhanh còn thể hiện những nuối tiếc vì sự trôi nhanh vút qua của thời gian - Hai câu thơ tiếp theo là bức hoạ tuyệt đẹp về mùa xuân Bức tranh thật hài hòa màu sắc, đường nét. Chữ “tận” mở ra một không gian dài rộng, bát ngát. Thảm cỏ non xanh mượt trải rộng tới chân trời. Trên nền màu xanh non ấy điểm xuyết một vài bông hoa lê trắng. Tất cả đều gợi lên vẻ đẹp riêng
  2. của mùa xuân: mới mẻ, tinh khôi, giàu sức sống (cỏ non), khoáng đạt, trong trẻo (xanh tận chân trời), nhẹ nhàng, thanh khiết (trắng điểm một vài bông hoa). Từ "điểm" làm cho cảnh vật trở nên sinh động, có hồn chứ không tĩnh tại. Những đường nét mềm mại, màu sắc hài hòa, từ ngữ giàu chất tạo hình đã gợi được vẻ đẹp riêng của mùa xuân: khoáng đạt, trong trẻo, mới mẻ, tinh khôi và giàu sức sống. Đây chính là bức tranh nền để làm nổi bật lên khung cảnh lễ hội trong tiết Thanh minh. 8 câu thơ tiếp: Cảnh lễ hội trong tiết Thanh minh với những hoạt động của con người. - Trong tiết thanh minh có hai hoạt động diễn ra cùng lúc. Đó là lễ tảo mộ và hội đạp thanh: Lễ tảo mộ là đi viếng mộ, quét tước, sửa sang mộ phần người đã khuất. Hội đạp thanh là đi chơi xuân ở chốn đồng quê. Điệp ngữ “lễ là”, “hội là” gợi lên những cảnh lễ hội dân gian cứ liên tiếp diễn ra từ bao đời nay. - Lễ hội rộn ràng, huyên náo ấy, dòng thơ giàu hình ảnh, nhạc điệu ( 4 câu) + Ngôn ngữ giàu chất tạo hình, từ hai âm tiết xuất hiện với mật độ cao, đoạn thơ đã thể hiện rõ không khí lễ hội + Các danh từ yến anh, chị em, bộ hành, tài tử, giai nhân, ngựa xe, áo quần gợi tả sự đông vui của biết bao người kéo về trẩy hội. + Các động từ sắm sửa, dập dìu thể hiện sự chuẩn bị chờ mong và không khí rộn ràng của ngày hội. + Các tính từ gần xa, nô nức càng làm rõ hơn tâm trạng người đi hội khắp các nẻo đường từ xa đến gần. + Cách nói ẩn dụ nô nức yến anh gợi hình ảnh từng đoàn người nhộn nhịp đi chơi xuân như chim én, chim oanh bay ríu rít. - Qua cuộc du xuân của chị em Kiều, tác giả còn khắc hoạ một truyền thống văn hoá lễ hội xa xưa của người phương Đông nói chung và dân tộc Việt Nam nói riêng: Tiết thanh minh mọi người sắm sửa lễ vật để đi tảo mộ, sắm sửa áo quần để vui hội đạp thanh. Người ta rắc những thoi vàng vó, đốt tiền giấy, hàng mã để tưởng nhớ những người thân đã khuất. 6 câu cuối: cảnh chị em Kiều du xuân trở về.
  3. - Hội đã hết, ngày đã tàn nên nhịp thơ không còn cái rộn ràng, giục giã mà chậm rãi, khoan thai. - Cảnh vẫn đẹp và mang cái thanh, cái dịu của mùa xuân: nắng nhạt, khe nước nhỏ, dịp cầu “nho nhỏ” bắc ngang cuối ghềnh. Mọi chuyển động đều thật nhẹ nhàng: mặt trời , bước chân người , dòng nước - Cái không khí nhộn nhịp, rộn ràng của lễ hội không còn nữa, tất cả đang lặng dần, nhạt dần. - Một cái nhìn man mác, bâng khuâng: “lần xem” đối với cảnh vật. - Các từ láy: thanh thanh, nao nao, nho nhỏ vừa có giá trị biểu đạt sắc thái cảnh vật vừa bộc lộ tâm trạng con người. Từ nao nao trong câu thơ Nao nao dòng nước uốn quanh đã nhuốm màu tâm trạng lên cảnh vật. Dường như có một nỗi niềm man mác bâng khuâng lan toả trong tâm hồn vốn đa tình, đa cảm như Thuý Kiều. Đó là một cảm giác bâng khuâng xao xuyến về một ngày vui xuân đang tàn, đồng thời còn là sự linh cảm về điều sắp xảy ra xuất hiện. Kết bài: - "Cảnh ngày xuân" là bức tranh xuân thật đẹp, nhẹ nhàng, thanh khiết; là cảnh lễ hội rộn ràng mang đậm nét văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam. - Đoạn thơ rất thành công trong nghệ thuật tả cảnh thiên nhiên. Bằng việc kết hợp bút pháp tả và gợi, sử dụng từ ngữ giàu chất tạo hình, tác giả đã miêu tả cảnh ngày xuân với những đặc điểm riêng. Đồng thời qua cảnh, tác giả còn gợi được tâm trạng của nhân vật.
  4. KIỀU Ở LẦU NGƯNG BÍCH (Trích “Truyện Kiều” của Nguyễn Du) Mở bài: - Kiều ở lầu Ngưng Bích là đoạn trích nằm ở phần thứ hai trong kiệt tác “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du. - Đoạn trích miêu tả nội tâm nàng Kiều trong những ngày đầu tiên lưu lạc. Qua đoạn trích, ta sẽ thấy được nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tài ba của Nguyễn Du qua ngôn ngữ độc thoại và bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc. Thân bài: Khái quát: Đoạn thơ có 22 dòng lục bát, âm điệu nhẹ nhàng, man mác chứa nỗi buồn vô tận phát xuất từ lòng người lan truyền vào cảnh vật rồi từ cảnh vật xoáy vào lòng người. - 6 câu thơ đầu: Cảnh thiên nhiên trước lầu Ngưng Bích và hoàn cảnh cô đơn, tội nghiệp của Kiều - 8 câu tiếp: Nỗi nhớ của Kiều (Nhớ Kim Trọng, nhớ cha mẹ) - 8 câu cuối: Tâm trạng buồn lo của Kiều 6 câu thơ đầu: Cảnh thiên nhiên trước lầu Ngưng Bích và hoàn cảnh cô đơn, tội nghiệp của Kiều: * Cảnh thiên nhiên và cảnh ngộ của Kiều nơi lầu Ngưng Bích với không gian, thời gian nghệ thuật được quan sát cái nhìn của Kiều. - Hai chữ “khóa xuân” cho thấy Kiều ở lầu Ngưng Bích thực chất là bị giam lỏng. Đã biết bao đêm, nàng cô đơn, thao thức nơi ngôi lầu ấy. Lúc này, Kiều mang tâm trạng cô đơn. - Không gian nơi đây mênh mông, hoang vắng và lạnh lẽo. Cảnh non xa, trăng gần như gợi lên hình ảnh lầu Ngưng Bích chơi vơi giữa mênh mang trời nước. - Không gian càng trở nên mênh mông, vắng lặng và rợn ngợp hơn khi nhìn ra Bốn bề bát ngát xa trông. Từ láy “bát ngát” gợi một không gian vắng lặng, chỉ có thiên nhiên câm lặng làm bạn.
  5. - Từ lầu Ngưng Bích nhìn ra, Kiều còn thấy dãy núi mờ xa, những cồn cát nhấp nhô lượn sóng, lại còn bụi hồng cuốn xa. - Những hình ảnh “non xa”, “trăng gần”, “cát vàng”, “bụi hồng” có thể là cảnh thật mà cũng có thể là hình ảnh mang tính ước lệ để gợi sự mênh mông, rợn ngợp của không gian, qua đó diễn tả tâm trạng cô đơn của Kiều. Đặc biệt, phép đối “cồn nọ”- “dặm kia” như mở rộng không gian ra nhiều phía, càng tô đậm thân phận cô đơn của Kiều. * Nơi lầu Ngưng Bích vắng vẻ, lạnh lùng ấy, Kiều chỉ biết tâm sự, đối diện với chính mình: Bẽ bàng mây sớm đèn khuya Nửa tình, nửa cảnh như chia tấm lòng - Từ láy bẽ bàng gợi tâm trạng tủi thẹn, xấu hổ, chán ngán của Kiều. Cụm từ “mây sớm đèn khuya” gợi vòng thời gian tuần hoàn khép kín. Kiều rơi vào hoàn cảnh cô đơn tuyệt đối. - Câu thơ Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng diễn tả một nỗi niềm, một nỗi lòng tan nát, đau thương. Một nửa là tâm sự của Kiều, một nửa là cảnh vật trước lầu Ngưng Bích. Hai nỗi buồn phụ họa với nhau tác động đến Kiều, làm cho lòng nàng tan nát, đau thương. Tám câu thơ giữa: Tâm trạng thương nhớ Kim Trọng, thương nhớ cha mẹ của Kiều qua ngôn ngữ độc thoại nội tâm. Kiều nhớ đến Kim Trọng trước, cha mẹ sau. Điều này phù hợp với quy luật tâm lí, vừa thể hiện sự tinh tế của ngòi bút Nguyễn Du. * Nhớ Kim Trọng: Tưởng người dưới nguyệt chén đồng Tin sương luống những rày trông mai chờ Bên trời góc bể bơ vơ Tấm son gột rửa bao giờ cho phai". - Nhớ Kim Trọng là nhớ đến người yêu nên nàng nhớ về lời thề đôi lứa. Kiều đã nhớ lại lời thề son sắt của mình với chàng Kim trong đêm trăng thề hẹn. Từ “tưởng” được dùng rất hay; vừa nhớ, vừa là hình dung, tưởng tượng.
  6. - Nàng tưởng tượng Kim Trọng đang hướng về mình, đêm ngày đau đáu chờ tin mà luống công, vô ích. - Nàng đau đớn, xót xa cho chàng Kim đang phải chờ đợi trong mỏi mòn, tuyệt vọng vì cuộc đời nàng giờ đây tấm lòng son sắt của nàng đã bị vùi dập hoen ố, biết bao giờ gột rửa được. Qua nỗi đau đớn, xót xa khi nhớ về Kim Trọng, ta cũng có thể thấy được tình yêu, lòng thuỷ chung của nàng. Trong đoạn thơ, ND đã sử dụng một loạt từ ngữ "tưởng", "trông", "chờ", "bơ vơ", "gột rửa", "phai" để liên kết thành một hệ thống ngôn ngữ độc thoại biểu đạt nội tâm nhân vật trữ tình * Nhớ cha mẹ: ND đã dùng từ “xót” để mở đầu cho những vần thơ nhớ cha mẹ. + Nàng thương cha mẹ khi sáng, khi chiều tựa cửa ngóng tin con. Nàng xót xa khi đấng sinh thành già yếu mà không được tự tay chăm sóc. + Thành ngữ Quạt nồng ấp lạnh, điển cố Sân Lai, gốc tử đều nói lên tâm trạng nhớ thương, tấm lòng hiếu thảo của Kiều. Cụm từ cách mấy nắng mưa vừa nói được thời gian xa cách đã bao mùa mưa nắng, vừa gợi được sức mạnh tàn phá của tự nhiên, của nắng mưa với cảnh vật và con người + Điển cố, thành ngữ được ND sử dụng đã góp phần làm cho nỗi nhớ của Kiều thật sâu lắng, da diết và trang trọng. * Những câu thơ trên là một chuỗi tâm trạng của Kiều. Có cái buồn tủi cho thân phận lưu lạc của mình, nhưng chủ yếu là nỗi xót xa dành cho người yêu và cha mẹ. Kiều quả là người tình thuỷ chung, người con hiếu thảo, người có tấm lòng vị tha đáng trọng. 8 câu thơ cuối: - Những dòng thơ này là ngoại cảnh nhìn qua tâm trạng Kiều. Tất cả đều bắt đầu từ điệp ngữ “buồn trông”, tạo âm hưởng trầm buồn. Đồng thời "buồn trông" đã trở thành điệp khúc của đoạn thơ và cũng là điệp khúc của tâm trạng. - Từ trên lầu cao, Kiều hướng đôi mắt nhìn ra biển cả, cảnh đầu tiên Kiều nhìn thấy là “cửa bể chiều hôm”: Buồn trông cửa bể chiều hôm
  7. Thuyền ai thấp tháng cánh buồm xa xa? + Chiều hôm vốn đã buồn, cảnh cửa bể chiều hôm lại ảm đạm, trống trải, mênh mông quá. Trên nền ấy xuất hiện một con thuyền bé nhỏ, đơn côi. Từ láy “thấp thoáng, xa xa” gợi cảm giác cánh buồm khi rõ, khi mờ, chợt ẩn, chợt hiện nhấp nhô trên sóng biển. + Trong nỗi cô đơn của đứa con xa nhà, cảnh chiều tà hoang vắng không khỏi gợi lên nỗi buồn nhớ da diết về cha mẹ, quê hương, nỗi cô đơn và khát khao sum họp. Nỗi buồn cho kiếp sống tha phương, cho mảnh đời lưu lạc cứ choán ngợp cả tâm hồn Kiều. - Hướng mắt nhín sang phía khác, Kiều lại thấy cánh “hoa trôi man mác” trên “ngọn nước mới sa”: Buồn trông ngọn nước mới sa Hoa trôi man mác biết là về đâu + Nhìn cánh hoa rơi bị cuốn theo dòng nước, nàng nghĩ đến thân phận bèo bọt của mình như cánh hoa mỏng manh trôi trên ngọn sóng dữ, bị vùi dập cho tan nát. Cánh hoa ấy, dòng nước ấy khiến ta liên tưởng đến thân phận Kiều. + Từ láy “man mác” gợi nỗi buồn về thân phận. Còn câu hỏi “về đâu” thật mông lung, không thể trả lời. Tâm trạng cô đơn, bơ vơ lại được đẩy thêm một nấc mới. - Nhìn sang hướng khác, cảnh cũng chẳng đổi thay, nhìn đâu cũng thấy sầu buồn: Buồn trông nội cỏ rầu rầu Chân mây mặt đất một màu xanh xanh + Nhìn đâu cũng thấy cỏ, không một bóng người nên cảnh thật đơn điệu, tẻ nhạt Tất cả đều là một màu xanh nhưng không được như sắc xanh tươi mơn mởn của buổi chơi xuân ngày nào với “cỏ non xanh tận chân trời” mà trước mắt Kiều là một màu xanh buồn bã, ủ ê, héo úa. Từ láy “rầu rầu”, "xanh xanh" gợi lên một sắc xanh nhạt nhòa, không một chút sức sống. + Nguyễn Du đã mượn màu sắc u buồn của cảnh vật để diễn tả tâm trạng chán chường, buồn thương, vô vọng của Kiều.
  8. - Đáng sợ hơn là tại nơi lầu Ngưng Bích, Kiều còn mang một dự cảm hãi hùng về một tương lai đầy sóng gió: "Buồn trông gió cuốn mặt duềnh Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi". + Ba bức tranh trước được nhìn ở xa. Còn lần này lại quá gần. Kiều cảm nhận nó không chỉ bằng thị giác mà còn cả thính giác. + Âm thanh duy nhất trong cả đoạn thơ là tiếng kêu kinh hoàng quanh ghế ngồi. + Động từ mạnh cuốn, kêu, ầm ầm + từ láy tượng thanh “ầm ầm” được đảo lên trước cái âm thanh ghê rợn làm tăng sư hãi hùng. Nó dự báo một tương lai đầy bất trắc đang chờ đợi, vùi dập Kiều. => Như vậy, tâm trạng của Kiều khi ngồi trước lầu Ngưng Bích: sự cô đơn, thân phận nổi nênh vô định, nỗi buồn tha hương, lòng thương nhớ người yêu, cha mẹ và cả sự bàng hoàng, lo sợ. Cảnh lầu Ngưng Bích được nhìn qua tâm trạng Kiều: cảnh từ xa đến gần, màu sắc từ nhạt đến đậm, âm thanh từ tĩnh đến động, nỗi buồn từ man mác, mông lung đến lo âu, kinh sợ. - Sử dụng phép điệp ngữ liên hoàn "buồn trông", thủ pháp tăng cấp trong miêu tả, đoạn thơ giúp ta cảm nhận được từng chi tiết, hình ảnh khung cảnh thiên nhiên đều mang đậm trạng thái tình cảm của Thuý Kiều. Mỗi cảnh là mỗi tình, song tất cả đều buồn thương, đúng là “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” Kết bài: Tóm lại, đoạn trích KƠLNB khẳng định tài năng thật điêu luyện của Nguyễn Du trong việc miêu tả nội tâm nhân vật bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình. Cảnh mang hồn người, mỗi cảnh vật là một nét đau, nỗi lo, nỗi buồn tê tái của người con gái lưu lạc. Đoạn trích cũng thể hiện được tư tưởng nhân đạo sâu sắc của Nguyễn Du: đồng cảm, chia sẻ với những số phận bất hạnh của những con người tài hoa bạc mệnh.
  9. CHUYỆN NGƯỜI CON GÁI NAM XƯƠNG (Nguyễn Dữ) A. TÓM TẮT TRUYỆN: - Chuyện kể về nàng Vũ Nương, đẹp người đẹp nết, được chàng Trương Sinh cưới về làm vợ. Trương Sinh đi lính để lại mẹ già và người vợ trẻ đang mang thai ở nhà. - Mẹ Trương Sinh vì thương nhớ con mà ốm và qua đời. Vũ Nương lo ma chay chu tất như đối với cha mẹ đẻ của mình. - Giặc tan, Trương Sinh trở về nghe lời con nhỏ, nghi vợ không chung thủy. - Vũ Nương bị oan, gieo mình xuống sông Hoàng Giang tự tử. - Một đêm, Trương Sinh chơi với con bên đèn, đứa con chỉ bóng Trương Sinh trên tường nói đó là cha mình, TSinh thấu hiểu nỗi oan của vợ. - Vũ Nương được Thần Rùa Linh Phi cứu và gặp Phan Lang, một người cùng làng ở động của Linh Phi. Khi Phan Lang trở về trần gian, Vũ Nương gửi chiếc hoa vàng cùng lời nhắn cho Trương Sinh. - Nghe Phan Lang kể, Trương Sinh lập đàn giải oan trên bến Hoàng Giang, Vũ Nương trở về, ngồi trên kiệu hoa ở giữa dòng sông, lúc ẩn lúc hiện rồi biến mất. B. PHÂN TÍCH NHÂN VẬT VŨ NƯƠNG I. Mở bài - Giới thiệu tác giả, tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương”. - Dẫn dắt vấn đề nghị luận: nhân vật Vũ Nương có nhiều vẻ đẹp đáng quý. II. Thân bài * Vũ Nương là người phụ nữ có nhiều phẩm chất tốt đẹp + Người con gái thùy mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp. + Người vợ một mực thủy chung với chồng, thấu hiểu nỗi khổ và nguy hiểm mà chồng phải đối mặt nơi chiến tuyến, chờ đợi chồng (chứng minh bằng chi tiết trong văn bản: Khi về làm vợ Trương Sinh, khi tiễn chồng ra trận, những ngày tháng xa chồng, khi bị chồng nghi oan ) + Người con dâu hiếu thảo: chăm sóc mẹ chồng như cha mẹ ruột, lo ma chay chu đáo khi mẹ chồng mất (chứng minh bằng chi tiết trong văn bản: Khi mẹ chồng đau ốm, qua lời trăng trối của bà mẹ chồng, khi mẹ chồng qua đời )
  10. + Người mẹ thương con hết mực: (chứng minh bằng chi tiết trong bài) + Người phụ nữ thiết tha với hạnh phúc gia đình. + Vị tha bao dung (chứng minh bằng chi tiết trong bài) + Người phụ nữ trọng nhân phẩm tình nghĩa (chứng minh bằng chi tiết trong bài) * Số phận của nàng bất hạnh, hẩm hiu + Hết mực chung thủy nhưng lại bị nghi oan. Nỗi oan cuối cùng cũng được giải nhưng đã quá muộn màng. * Nghệ thuật xây dựng nhân vật: + Tạo dựng tình huống để thử thách nhân vật, khắc họa nhân vật qua ngoại hình, hành động, đối thoại + Kết hợp yếu tố thực với yếu tố tưởng tượng, kì ảo. * Ý nghĩa nhân đạo của tác phẩm - Thể hiện niềm thương cảm với số phận oan nghiệt của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. - Khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ: hiếu thảo, son sắt, nhân hậu - Lên án, tố cáo chiến tranh phi nghĩa, phê phán nhiều thói xấu trong xã hội như thói gia trưởng, thô bạo, bất bình đẳng giới luôn chà đạp, vùi dập người phụ nữ. III. Kết bài Tác giả Nguyễn Dữ với bút pháp miêu tả nhân vật sinh động, “Chuyện người con gái Nam Xương” khắc họa được nhân cách cao đẹp và số phận bi thảm của người phụ nữ tài sắc vẹn toàn.