Đề cương ôn tập môn Ngữ văn Lớp 9 - Trường THCS An Thới

docx 14 trang Đăng Bình 06/12/2023 1471
Bạn đang xem tài liệu "Đề cương ôn tập môn Ngữ văn Lớp 9 - Trường THCS An Thới", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docxde_cuong_on_tap_mon_ngu_van_lop_9_truong_thcs_an_thoi.docx

Nội dung text: Đề cương ôn tập môn Ngữ văn Lớp 9 - Trường THCS An Thới

  1. ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP NGỮ VĂN 9 A. NỘI DUNG KIẾN THỨC: I. CÁC BIỆN PHÁP TU TỪ CẦN NẮM VỮNG: 1. Biện pháp so sánh: - So sánh là đối chiếu hai hay nhiều sự vật, sự việc mà giữa chúng có những nét tương đồng. - Nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt. Ví dụ: “Công cha như núi ngất trời Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông.” (Ca dao) 2. Biện pháp nhân hoá: - Nhân hóa là biện pháp tu từ sử dụng những từ ngữ chỉ hoạt động, tính cách, suy nghĩ, tên gọi vốn chỉ dành cho con người để miêu tả đồ vật, sự vật, con vật, cây cối. - Làm cho đối tượng hiện ra sinh động, gần gũi, có tâm trạng và có hồn hơn. Ví dụ: “Mặt trời xuống biển như hòn lửa Sóng đã cài then, đêm sập cửa Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi Câu hát căng buồm cùng gió khơi.” (“Đoàn thuyền đánh cá” – Huy Cận) 3. Biện pháp ẩn dụ: - Ẩn dụ là biện pháp tu từ gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó - Nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt. Ví dụ: “Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ” (“Viếng lăng Bác” – Viễn Phương) + “Mặt trời” ở câu thơ (2) chính là Bác Hồ - Người đã soi sáng con đường cách mạng Việt Nam, đem lại cuộc sống tươi vui cho dân tộc Việt Nam. 4. Biện pháp hoán dụ: - Hoán dụ là biện pháp tu từ gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm này bằng tên của một sự vật, hiện tượng khác có quan hệ gần gũi với nó. - Diễn tả sinh động nội dung thông báo và gợi những liên tưởng ý vị, sâu sắc. Ví dụ: “Giếng nước, gốc đa nhớ người ra lính” (“Đồng chí” – Chính Hữu) + “Giếng nước, gốc đa”: Quê hương, người thân, gia đình. 5. Biện pháp đảo ngữ: - Đảo ngữ là biện pháp tu từ thay đổi trật tự cấu tạo ngữ pháp thông thường của câu.
  2. - Nhấn mạnh, gây ấn tượng về nội dung biểu đạt. Ví dụ: “Ung dung buồng lái ta ngồi Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng” (“Bài thơ về tiểu đội xe không kính” – Phạm Tiến Duật) 6. Nói giảm, nói tránh: - Nói giảm nói tránh là một biện pháp tu từ dùng cách diễn đạt tế nhị, uyển chuyển. - Làm giảm nhẹ đi ý đau thương, mất mát nhằm thể hiện sự trân trọng. “Bác nằm trong giấc ngủ bình yên Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền” (“Viếng lăng Bác” – Viễn Phương) 7. Biện pháp nói quá: - Nói quá là phép tu từ phóng đại mức độ, quy mô, tính chất của sự vật, hiện tượng được miêu tả. - Nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm. Ví dụ: “Mặt trời xuống biển như hòn lửa Sóng đã cài then, đêm sập cửa Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi Câu hát căng buồm cùng gió khơi.” (“Đoàn thuyền đánh cá” – Huy Cận) 8. Phép đối: - Phép đối là cách sử dụng từ ngữ đối lập, trái ngược nhau. - Tạo hiệu quả hài hòa, cân đối trong diễn đạt. Nhấn mạnh về ý, gợi liên tưởng, gợi hình ảnh sinh động, tạo nhịp điệu. Ví dụ: “Sông được lúc dềnh dàng Chim bắt đầu vội vã Có đám mây mùa hạ Vắt nửa mình sang thu”. (“Sang thu” – Hữu Thỉnh) 9. Điệp ngữ: Điệp ngữ là nhắc đi nhắc lại nhiều lần một từ, cụm từ có dụng ý làm tăng cường hiệu quả diễn đạt: nhấm mạnh, tạo ấn tượng, gợi liên tưởng, cảm xúc và tạo nhịp điệu cho câu/ đoạn, Ví dụ: “Ta làm con chim hót Ta làm một cành hoa Ta nhập vào hòa ca Một nốt trầm xao xuyến”. (“Mùa xuân nho nhỏ” – Thanh Hải) 10. Câu hỏi tu từ:
  3. - Câu hỏi tu từ là hình thức thể hiện câu hỏi nhưng không yêu cầu câu trả lời. - Bộc lộ cảm xúc. Ví dụ: “Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư?” (“Làng” – Kim Lân) 11. Liệt kê - Là sắp xếp nối tiếp hàng loạt từ hay cụm từ cùng loại. - Diễn tả cụ thể, toàn điện. Ví dụ: “Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa.” (“Chiếc lược ngà” – Nguyễn Quang Sáng) 12. Điệp cấu trúc/ lặp cú pháp: - Là biện pháp lặp đi lặp lại một cấu trúc cú pháp, trong đó có láy đi láy lại một số từ nhất định - Vừa triển khai được ý một cách hoàn chỉnh, vừa làm cho người nghe dễ nhớ, dễ hiểu; đồng thời bổ sung và phát triển cho ý hoàn chỉnh; tạo cho toàn câu văn, câu thơ một vẻ đẹp hài hòa, cân đối. Ví dụ: “Dù ở gần con Dù ở xa con Lên rừng xuống biển Cò sẽ tìm con Cò mãi yêu con.” (“Con cò” – Chế Lan Viên) 13. Phép sóng đôi cú pháp: Biện pháp sóng đôi cú pháp dựa vào biện pháp lặp cú pháp nhưng có sự sóng đôi thành từng cặp với nhau, có thể sóng đôi câu hay sóng đôi bộ phận câu. Ví dụ: “Quê hương anh nước măn, đồng chua Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá. ” (“Đồng chí” – Chính Hữu) II. MỘT SỐ KINH NGHIỆM ĐỂ THỰC HIỆN TỐT PHẦN ĐỌC HIỂU: 1. Cách nhận biết phương thức biểu đạt: 1.1. Tự sự: Mục đích giao tiếp là để trình bày sự việc. Dấu hiệu để nhận biết phương thức tự sự là trong văn bản/ đoạn trích sẽ có nhân vật và cốt truyện, sử dụng nhiều câu văn trần thuật và thường có lời thoại của nhân vật. Ví dụ: “Ngày xưa, có hai vợ chồng ông lão đánh cá ở với nhau trong một túp lều nát trên bờ biển. Ngày ngày chồng đi thả lưới, vợ ở nhà kéo sợi.
  4. Một hôm, người chồng ra biển đánh cá. Lần đầu kéo lưới chỉ thấy có bùn; lần thứ nhì kéo lưới chỉ chỉ cây rong biển; lần thứ ba kéo lưới thì bắt dược một con cá vàng. Con cá cất tiếng kêu vang: - Ông lão ơi! Ông sinh phúc thả tôi trở về biển, tôi sẽ xin đền ơn ông, ông muốn gì cũng được”. (Ông lão đánh cá và con cá vàng) Đoạn trích trên có nhân vật (ông lão, vợ ông lão và con cá), dấu hiệu dễ nhận ra phương thức biểu đạt tự sự nhất ở đoạn trích này là có lời thoại của nhân vật cá vàng: Ông lão ơi! Ông sinh phúc thả tôi trở về biển, tôi sẽ xin đền ơn ông, ông muốn gì cũng được. Chính vì thế, phương thức biểu đạt chính dược sử dụng trong đoạn trích trên là tự sự. 1.2. Miêu tả: Mục đích giao tiếp của phương thức miêu tả là để tái hiện trạng thái sự vật, cảnh vật, con người. Dấu hiệu để nhận biết phương thức miêu tả trong văn bản/ đoạn trích là từ ngữ sử dụng chủ yếu là tính từ và có nhiều câu văn miêu tả. Ví dụ: Trăng đang lên. Mặt sông lấp loáng ánh vàng. Núi Trùm Cát đứng sừng sững bên bờ sông thành một khối tím thẫm uy nghi, trầm mặc. Dưới ánh trăng, dòng sông sáng rực lên, những con sóng nhỏ lăn tăn gợn đều mơn man vỗ nhẹ vào hai bên bờ cát. (Khuất Quang Thụy, Trong cơn gió lốc) Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên là miêu tả. Bởi vì đoạn văn có sử dụng hàng loạt tính từ (lấp loáng ánh vàng, sừng sững, tím thẫm uy nghi, ) và tất cả các câu văn trong đoạn đều là câu miêu tả. 1.3. Biểu cảm: Mục đích giao tiếp của phương thức biểu cảm là bày tỏ tình cảm, cảm xúc nên sẽ có các từ ngữ thể hiện cảm xúc: ôi, chao ôi, biết bao, biết nhường nào, Ví dụ: Than ôi! Sức người khó lòng địch nổi với sức trời! Thế đê không sao cự lại được với thế nước! Lo thay! Nguy thay! Khúc đê này hỏng mất. (Phạm Duy Tốn, Sống chết mặc bay) 1.4. Nghị luận: Mục đích giao tiếp của phương thức nghị luận là nêu ý kiến, đánh giá, bàn luận nên từ ngữ thường mang tính khái quát cao (nêu chân lí, quy luật) và thường sử dụng các thao tác lập luận: chứng minh, giải thích. Ví dụ: Muốn xây dựng một đất nước giàu mạnh thì phải có nhiểu người tài giỏi. Muốn có nhiều người tài giỏi thì học sinh phải ra sức học tập văn hóa và rèn luyện thân thể, bởi vì chỉ có học tập và rèn luyện thì các em mới có thể trở thành người tài giỏi trong tương lai. (Trích Tài liệu hướng dẫn đội viên) Đoạn văn trên sử dung thao tác lập luận giải thích nhằm để thuyết phục học sinh về tinh thần học tập và rèn luyện nên phương thức biểu đạt chính của đoạn văn là nghị luận. 1.5. Thuyết minh: Mục đích giao tiếp của phương thức thuyết minh là giới thiệu đặc điểm, tính chất, phương pháp nên thường có các câu văn miêu tả, đặc điểm, tính chất đối tượng và có thể sử dụng những số liệu.
  5. Ví dụ: Hải đường là loài cây nhỡ, họ chè, lá dài, dày, mặt trên bóng, mép có nhiều răng cưa. Hoa mọc từ 1 đến 3 đóa ở gần ngọn cây, ngọn cành, có cuống dài, tràng hoa màu đỏ tía, nhị đực rất nhiều. Hoa nở ở Việt Nam vào dịp Tết âm lịch, đẹp, không thơm. Thường trồng làm cảnh. (Theo Từ điển Bách khoa nông nghiệp) Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên là thuyết minh. Bởi vì trong đoạn có những câu văn miêu tả đặc điểm, tính chất của hoa hải đường (Hải đường là loài cây nhỡ, họ chè, lá dài, dày, mặt trên bóng, mép có nhiều răng cưa) và có sử dụng những số liệu (Hoa mọc từ 1 đến 3 đóa ) 1.6. Hành chính - công vụ: Trình bày những vấn đề liên quan về mặt pháp lí trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ: Đơn từ, bằng cấp, chứng chỉ, hợp đồng, . 2. Các mức độ thường được yêu cầu trong phần Đọc hiểu: 2.1. Nhận biết (câu 1): Câu hỏi thường yêu cầu chỉ ra văn bản thuộc phương thức biểu đạt nào, thể thơ gì, phép tu từ gì, 2.2. Thông hiểu (câu 2 và 3): Câu hỏi thường yêu cầu nêu nội dung, chủ đề; đặt nhan đề cho văn bản; nêu tác dụng của phép tu từ nào đó; hoặc trích một phần của văn bản và yêu cầu thí sinh nêu sự thông hiểu về nó, 2.3 Vận dụng (câu 4): Đề thường yêu cầu trình bày trong một giới hạn về số dòng nhất định. Có nhiều cách hỏi về vận dụng: từ chủ đề của văn bản, học sinh trình bày ý kiến bản thân liên quan đến chủ đề đó; trích một phần văn bản và yêu cầu hoàn thiện nó; hoặc yêu cầu đưa thêm những ý kiến riêng của bản thân ngoài quan điểm, chính kiến của tác giả văn bản, Ví dụ: Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới: Nếu bước chân vào bất kì bệnh viện nào và hỏi bác sĩ về “bệnh vô cảm”, chắc chắn bạn sẽ không nhận được câu trả lời. Bởi đó là căn bệnh tồn tại ngoài xã hội chứ không phải đơn thuần trên giường bệnh. “Bệnh vô cảm” là tình trạng chai sạn của tâm hồn, là thái độ sống thờ ơ, lãnh đạm trước những gì diễn ra xung quanh mình. Đáng sợ hơn là nó diễn ra ngay cả trước những mất mát, đau khổ của con người. Một ngày, bạn không còn biết yêu thương và cũng không căm ghét, không cảm nhận được hạnh phúc và cũng không động lòng trước đau khổ, không có khát vọng sống ý nghĩa thì ắt hẳn, bạn đang có những “triệu chứng” của căn bệnh vô cảm đáng sợ kia. Nó không làm con người ta đau đớn hay chết đi về thể xác nhưng lại làm trái tim và tâm hồn chết dần trong sự lạnh lẽo. Và phải chăng “cái chết không phải là điều mất mát lớn nhất trong cuộc đời, sự mất mát lớn nhất là bạn để tâm hồn tàn lụi ngay khi còn sống” như lời Noóc-man Ku-sin đã khẳng định? (Theo Bài tập Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2013)
  6. Câu 1 (0,5 điểm). Hãy xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn văn trên. Câu 2 (0, 5điểm). Hãy đặt nhan đề cho đoạn văn trên. Câu 3 (1,0 điểm). Theo em, thế nào là “bệnh vô cảm”? Câu 4 (1,0 điểm). Nhận định về tác hại của “bệnh vô cảm”, tác giả viết: Nó không làm con người ta đau đớn hay chết đi về thể xác nhưng lại làm trái tim và tâm hồn chết dần trong sự lạnh lẽo. Em có đồng tình với ý kiến này không? Vì sao? 3. Cách giải quyết tốt yêu cầu Đọc hiểu: 3.1. Đọc thật kĩ ngữ liệu và phân tích thật kĩ yêu cầu câu hỏi: Điều vô cùng quan trọng để thực hiện tốt phần Đọc hiểu trong đề kiểm tra là các em phải đọc thật kĩ ngữ liệu, phân tích kĩ yêu cầu câu hỏi. Bởi vì chỉ đọc thật kĩ ngữ liệu và phân tích thật kĩ yêu cầu câu hỏi thì các em mới có câu đáp án chính xác nhất. Chẳng hạn như, với dạng câu hỏi xác định định phương thức biểu đạt thì cần phải đọc kĩ đề bài. Nếu yêu cầu xác định phương thức biểu đat chính thì chỉ chọn duy nhất một phương thức biểu đạt mà mình cho là hợp lí; còn nếu đề yêu cầu xác định các phương thức biểu đạt thì có thể nêu hai, ba phương thức biểu đạt có trong đoạn. Và trong nhiều đề thi, đáp án của câu hỏi lại nằm ngay trong ngữ liệu mà đề bài đã cho. Chính vì vậy, khi làm bài, nếu các em không chịu khó đọc thật kĩ ngữ liệu và phân tích thật kĩ yêu cầu câu hỏi thì sẽ phải tốn thời gian không đáng có hoặc không thực hiện một số câu hỏi mà người ra đề đã dành sự “ưu ái”, tạo điều kiện cho thí sinh có điểm. Chẳng hạn như với câu 2 của đề Đọc hiểu trên (Theo em, thế nào là “bệnh vô cảm”?), học sinh sẽ tìm được câu trả lời ngay trên ngữ liệu đã cho: “Bệnh vô cảm” là tình trạng chai sạn của tâm hồn, là thái độ sống thờ ơ, lãnh đạm trước những gì diễn ra xung quanh mình. Đáng sợ hơn là nó diễn ra ngay cả trước những mất mát, đau khổ của con người. Chính vì vậy, đọc thật kĩ ngữ liệu, phân tích kĩ yêu cầu câu hỏi chính là “chìa khóa” để các emthực hiện tốt phần Đọc hiểu, đạt điểm số cao trong bài làm kiểm tra, thi cử. 3.2. Phải biết hướng giải quyết yêu cầu câu hỏi và cách trình bày câu trả lời Thực tế cho thấy có kiến thức vững chắc, đọc kĩ ngữ liệu và phân tích thật kĩ câu hỏi cũng là chưa đủ để thực hiện tốt phần Đọc hiểu, mà để có được điểm tối đa cho câu hỏi này, các em cần phải biết hướng giải quyết yêu cầu câu hỏi và cách trình bày câu trả lời. * Chẳng hạn như với những câu hỏi nhận biết (câu số 1): Câu hỏi này thường về phương thức biểu đạt, phương thức trần thuật, thể thơ, Đối với câu hỏi này, các em cần trả lời ngắn gọn, bám sát vào đề bài hỏi gì trả lời đó, tránh lan man dài dòng như: Phương thức biểu đạt của đoạn văn trên là gây mất thời gian của thí sinh và giáo viên chấm hoặc tránh viết tắt (PTBĐ), thiếu lời dẫn gây “khó chịu” của giám khảo. Cách trình bày hiệu quả nhất là chỉ cần trình bày chỉ cần trình bày ngắn gọn một dòng: Phương thức biểu đạt: hoặc Phương thức biểu đạt chính: Ví dụ như để trả lời cho cho câu 1 của đề Đọc hiểu của ngữ liệu đã dẫn trên thì cách trình bày như sau: Hỏi: Câu 1. Hãy xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn văn trên.
  7. Trả lời: Câu 1/ Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận * Dạng câu hỏi nêu nội dung cụm từ khóa: Đề thường ra dạng: Theo tác giả, “A” là gì? (“A” là từ khóa. Ví dụ: vô cảm, ý chí, nghị lực). Ở dạng này, không cần tư duy mà cần phải đọc kĩ ngữ liệu đã cho để lựa chọn nội dung trả lời và “coppy” từ đề thi ra. Hoặc cũng có thể đề yêu cầu: Theo em, thế nào là “A”? Với dạng này thì các em tư duy theo hướng mà ngữ liệu đã cho. Ví dụ như để trả lời câu hỏi Theo em, thế nào là “bệnh vô cảm”? thì các em có thể dựa trên đoạn ngữ liệu để tìm câu trả lời: “Bệnh vô cảm” là tình trạng chai sạn của tâm hồn, là thái độ sống thờ ơ, lãnh đạm trước những gì diễn ra xung quanh mình. * Với dạng câu hỏi yêu cầu nêu nội dung chính của văn bản thì các em phải đọc kĩ văn bản, có thể dựa vào nhan đề và những câu văn mở đầu và kết thúc của văn bản để xác định nội dung chính. Hoặc nếu câu hỏi yêu cầu đặt tên cho văn bản thì các em cũng phải đọc kĩ văn bản, dựa vào những câu văn mở đầu và kết thúc của văn bản để xác định nội dung chính; sau đó, lựa chọn từ ngữ phù hợp nhất để đặt tên cho văn bản, * Với dạng câu hỏi yêu cầu trình bày quan điểm, ý kiến (đồng tình hay không đồng tình) về một vấn đề nào đó được nêu trong ngữ liệu và giải thích thì các em cần thực hiện câu trả lời như sau: Em đồng tình (hoặc không đồng tình) với ý kiến “ ”. Vì: Ví dụ như để trả lời câu hỏi: Nhận định về tác hại của “bệnh vô cảm”, tác giả viết: Nó không làm con người ta đau đớn hay chết đi về thể xác nhưng lại làm trái tim và tâm hồn chết dần trong sự lạnh lẽo. Em có đồng tình với ý kiến này không? Vì sao? thì câu trả lời mà học sinh cần thực hiện là: Em có đồng tình với ý kiến của tác giả. Vì: khi mắc phải “căn bệnh vô cảm”, con người sẽ không còn cảm xúc, trái tim và tâm hồn của họ sẽ khô cằn chai sạn, họ dần tách khỏi mọi người xung quanh, tự cô lập mình trong sự cô đơn. Khi ấy người “vô cảm” như một cái xác không hồn. Tóm lại, “kĩ thuật” phương án giải quyết yêu cầu câu hỏi và cách trình bày câu trả lời là yếu tố rất quan trọng cho sự thành công của việc thực hiện phần Đọc hiểu văn bản ở đề bài kiểm tra/ thi bởi đây chính là “sản phẩm” để giám khảo nhận xét, đánh giá, cho điểm. Chính vì vậy, các em cần đặc biệt chú ý rèn luyện để có “kĩ năng, kĩ xảo” này. III. LÀM VĂN: 1. Gợi ý cách viết đoạn văn nghị luận xã hội: 1.1. Đoạn văn nghị luận về tư tưởng, đạo lí: - Câu mở đoạn: Từ ngữ liệu ở nội dung Đọc hiểu, dẫn dắt giới thiệu khái quát tư tưởng, đạo lí. - Thân đoạn: + Giải thích khái niệm, ý nghĩa nội dung vấn đề. + Nêu biểu hiện của tư tưởng, đạo lí (dẫn chứng) + Ý nghĩa của tư tưởng, đạo lí (dẫn chứng) + Phản đề (nêu biểu hiện trái ngược) + Bài học nhận thức và hành động: vấn đề đúng/sai, cần phát huy/khắc phục? Mọi người cần phải làm gì để phát huy/khắc phục?
  8. - Kết đoạn: Khẳng định chung về tư tưởng, đạo lí đã bàn luận. 1.2. Đoạn văn nghị luận về sự việc, hiện tượng đời sống: - Câu mở đoạn: Từ ngữ liệu ở nội dung Đọc hiểu, dẫn dắt giới thiệu sự, việc hiện tượng cần bàn luận - Thân đoạn: + Giải thích khái niệm, ý nghĩa nội dung vấn đề. + Nêu thực trạng của sự việc, hiện tượng (dẫn chứng) + Nêu những nguyên nhân của sự việc, hiện tượng: Nguyên nhân chủ quan (do bản thân), nguyên nhân khách quan (do tác động từ bên ngoài: gia đình, bạn bè, xã hội, ) + Tác hại/ tác dụng của sự việc, hiện tượng: với cộng đồng, xã hội, cá nhân mỗi người, (dẫn chứng) + Phản đề (nêu biểu hiện trái ngược) + Giải pháp khắc phục/ phát huy: vấn đề đúng/sai, cần phát huy/khắc phục? Mọi người cần phải làm gì để phát huy/khắc phục? (Cần dựa vào nguyên nhân để tìm ra những giải pháp khắc phục) - Kết đoạn: Khẳng định chung về sự việc, hiện tượng đã bàn luận. * Những điều cần lưu ý: - Về nội dung: + Nếu đề bài yêu cầu trình bày suy nghĩ về ý nghĩa thì tập trung xoáy vào ý nghĩa/ tác hại của vấn đề. Còn nếu đề bài yêu cầu làm thế nào thì tập trung xoáy vào bài học nhận thức và hành động/ giải pháp khắc phục, phát huy. + Cần kết nối với ngữ liệu đã cho. - Về hình thức: + Đúng chính tả, ngữ pháp; diễn đạt rõ ràng, mạch lạc. + Viết hoa chữ cái đầu tiên, có dấu câu kết thúc đoạn. + Chỉ một lần lùi dòng. 2. Dàn bài chung của bài văn nghị luận văn học: 2.1. Bài văn nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ: a) Mở bài: - Giới thiệu tác giả (vai trò vị trí, phong cách sáng tác)/ hoặc chủ đề - Giới thiệu tác phẩm (tên bài thơ, nội dung chính) - Trích dẫn ý kiến, nhận định (nếu dạng đề phân tích để làm sáng tỏ ý kiến, nhận định) - Nếu là đoạn thơ thì cần nêu vị trí, luận đề. (Trích dẫn thơ) b) Thân bài: (1) Giới thiệu chung: (Tổng) - Có thể chọn một hoặc kết hợp các ý sau: + Hoàn cảnh sáng tác/ xuất xứ của bài thơ, đoạn thơ + Nêu ấn tượng chung về đoạn thơ, bài thơ
  9. + Giải thích nhan đề bài thơ (nếu có) + Mạch cảm xúc của bài thơ + - Giải thích ý kiến, nhận định (nếu dạng đề phân tích để làm sáng tỏ ý kiến, nhận định) (2) Phân tích: (Phân ) Có thể phân tích theo lối cắt ngang hoặc bổ dọc * Luận điểm 1: Dẫn dắt giới thiệu luận điểm (trích thơ) Phân tích nghệ thuật: + Từ ngữ + Hình ảnh + Màu sắc + Đường nét + Âm thanh + Các biện pháp tu từ + Giọng thơ, nhịp thơ + Nội dung, ý nghĩa thơ Lưu ý: Phân tích cần kết hợp giữa nghệ thuật với nội dung * Luận điểm n: (Thao tác tương tự như luận điểm 1) (3) Đánh giá chung: (Hợp) - Nhận xét, đánh giá chung về về nghệ thuật và nội dung của đoạn thơ, bài thơ. - Liên hệ tính đúng đắn và chính xác của ý kiến, nhận định (nếu dạng đề phân tích để làm sáng tỏ ý kiến, nhận định) b) Kết bài: - Khẳng định giá trị của ý kiến, nhận định (nếu dạng đề phân tích để làm sáng tỏ ý kiến, nhận định) - Khẳng định sự thành công của tác giả, tác phẩm - Ấn tượng sâu đậm của bản thân về tác phẩm. 2.2. Bài văn nghị luận về một tác phẩm truyện, đoạn trích: a) Mở bài:
  10. - Giới thiệu tác giả (vai trò, vị trí trong nền văn học nước nhà và phong cách sáng tác)/ hoặc chủ đề - Giới thiệu tác phẩm (nhan đề, khái quát giá trị nội dung); - Trích dẫn ý kiến, nhận định (nếu dạng đề phân tích để làm sáng tỏ ý kiến, nhận định) - Giới thiệu nhân vật (luận đề); b) Thân bài: (1) Giới thiệu chung: (Tổng) - Có thể nêu một trong các ý sau: + Hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ của tác phẩm + Giải thích ý nghĩa nhan đề tác phẩm (nếu có) + Ấn tượng chung về tác phẩm, nhân vật. + - Giải thích ý kiến, nhận định (nếu dạng đề phân tích để làm sáng tỏ ý kiến, nhận định) (2) Phân tích (suy nghĩ, cảm nhận) về nhân vật: (Phân) * Luận điềm 1: Dẫn dắt giới thiệu luận điểm Chú ý nhận xét, đánh giá nhân vật về các đặc điểm: - Ngoại hình - Cử chỉ, điệu bộ - Ngôn ngữ, hành động - Suy nghĩ, tâm trạng, → Làm nổi bật luận điểm (tính cách, tâm hồn, nhân vật) * Luận điềm n: (Thao tác như luận điểm 1) (3) Đánh giá: (Hợp) - Nghệ thuật xây dựng nhân vật - Ý nghĩa của nhân vật. - Liên hệ tính đúng đắn và chính xác của ý kiến, nhận định (nếu dạng đề phân tích để làm sáng tỏ ý kiến, nhận định). c) Kết bài: - Khẳng định giá trị của ý kiến, nhận định (nếu dạng đề phân tích để làm sáng tỏ ý kiến, nhận định) - Khẳng định sự thành công của tác giả, tác phẩm. - Ấn tượng sâu đậm của bản thân về nhân vật,
  11. B. ĐỀ BÀI THỰC HÀNH LUYỆN TẬP: I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm) Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4: Ngày 8/02/2020, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tại trên 700 điểm cầu tại các bệnh viện từ Trung ương đến tuyến huyện, hướng dẫn điều trị và phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (2019-nCoV) gây ra. Tham dự hội nghị có đại diện Tổ chức Y tế Thế giới, các chuyên gia, cán bộ chuyên môn các bệnh viện, trường đại học; đại diện Ủy ban Nhân dân, Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố, các đơn vị y tế thuộc địa phương. Phát biểu tại hội nghị, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, việc phòng chống dịch của Việt Nam chưa lần nào làm mạnh như lần này với nhiều biện pháp quyết liệt của Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ. Ban Bí thư cũng đã có các yêu cầu cấp ủy thực hiện tốt việc này. Các nhà khoa học Việt Nam đã nuôi cấy thành công virus nCoV, giúp trả lời chính xác về nguồn gốc của virus, độc lực, cơ chế gây bệnh, tính sinh miễn dịch của virus nCoV để lựa chọn các phương pháp điều trị thích hợp, ngoài ra sẽ cung cấp các nguyên liệu để phát triển các sinh phẩm chẩn đoán đặc hiệu và vắcxin phòng bệnh. (Theo Bích Thủy, phóng viên TTXVN/Vietnam+) Câu 1 (0,5 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên. Câu 2 (0,5 điểm). Em hiểu virus corona (2019-nCoV) là gì? Câu 3 (1,0 điểm). Công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (2019-nCoV) ở nước ta đang diễn ra như thế nào? Câu 4 (1,0 điểm). Bản thân em và gia đình đã làm gì để phòng chống căn bệnh này? II. LÀM VĂN (7,0 điểm) Câu 1 (2,0 điểm). Qua đoạn trích ở phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của em về bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (2019-nCoV). Câu 2 (5,0 điểm). Nhận định về truyện ngắn Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, có ý kiến cho rằng: “Truyện ngắn Chiếc lược ngà đã thể hiện thật cảm động tình cha con sâu nặng và cao đẹp trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh”. Em hãy phân tích nhân vật ông Sáu trong đoạn trích truyện ngắn Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng để làm sáng tỏ ý kiến trên. GỢI Ý LÀM BÀI I. ĐỌC HIỂU Để trả lời được các câu hỏi ở phần Đọc hiểu, các em cần:
  12. - Đọc thật kĩ đoạn trích để xác định phương thức biểu đạt chính (chỉ chọn 1 trong các phương thức: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận). - Tra cứu trên mạng, đọc sách báo, tài liệu tuyên truyền để giải thích đúng về virus corona (2019-nCoV). - Tìm các câu từ trong đoạn trích có nói về công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (2019-nCoV) ở nước ta đang diễn ra trong phạm vi nào? Mức độ nào? - Từ các nguồn thông tin về bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (2019-nCoV), bản thân em và gia đình đã làm gì để phòng chống căn bệnh này? (dùng các loại thực phẩm nào? Nơi ở, nhà cửa cần đảm bảo yêu cầu gì? Vệ sinh cá nhân ra sao để phòng bệnh? Khi cần thiết ra ngoài cần tự bảo vệ bản thân bằng cách nào?) II. LÀM VĂN Câu 1. Qua đoạn trích ở phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của em về bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (2019-nCoV). a) Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn: Các em có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành. b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Suy nghĩ về bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (2019-nCoV). c) Triển khai vấn đề nghị luận: Các em lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách. Có thể theo gợi ý sau: - Từ ngữ liệu, dẫn dắt giới thiệu chung về bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (2019-nCoV). - Giải thích “virus corona (2019-nCoV)” là gì? - Nêu những biểu hiện/ triệu chứng điển hình của bệnh? - Nêu những nguyên nhân lây nhiễm bệnh? - Hậu quả của căn bệnh (dẫn chứng về số người nhiễm, số người tử vong theo nguồn tin của Bộ y tế)? - Phản đề. - Cách phòng chống căn bệnh? . d )Sáng tạo: có quan điểm riêng, suy nghĩ mới mẻ, phù hợp với những chuẩn mực về đạo đức, pháp luật. e) Chính tả, ngữ pháp: đảm bảo các quy tắc về chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt.
  13. Câu 2. Nhận định về truyện ngắn Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, có ý kiến cho rằng: “Truyện ngắn Chiếc lược ngà đã thể hiện thật cảm động tình cha con sâu nặng và cao đẹp trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh”. Em hãy phân tích nhân vật ông Sáu trong đoạn trích truyện ngắn Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng để làm sáng tỏ ý kiến trên. Các em cần phải đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận về phân tích nhân vật trong tác phẩm truyện (đoạn trích) để làm sáng tỏ ý kiến nhân định: a) Mở bài: - Giới thiệu nhà văn Nguyễn Quang Sáng (hoặc giới thiệu chủ đề tình phụ tử) - Giới thiệu truyện ngắn “Chiếc lược ngà” - Giới thiệu và trích dẫn ý kiến, nhận định trong đề bài - Giới thiệu nhân vật ông Sáu – một chiến sĩ cách mạng kiên trung có tình yêu thương con vô bờ bến. b) Thân bài: (1) Giới thiệu chung: (Tổng) Các em có thể chọn: - Nêu hoàn cảnh sáng tác truyện ngắn “Chiếc lược ngà” - Tóm tắt ngắn gọn đoạn trích “Chiếc lược ngà” - Giải thích ý nghĩa nhan đề “Chiếc lược ngà” - (2) Phân tích nhân vật ông Sáu để làm sáng tỏ nhận định: Các em cần khai thác những cử chỉ, hành động, tâm trạng, của nhân vật ông Sáu dành cho bé Thu ở những thời điểm: - Trên đường về thăm con - Khi mới gặp con - Trong ba ngày nghỉ phép ở nhà - Trong buổi chia tay trở về căn cứ - Ở nơi căn cứ - Trong phút lâm chung để làm nổi bật tình cha con sâu nặng và cao đẹp trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh. * Lưu ý: - Phải có những dẫn chứng đặt trong dấu ngoặc kép.
  14. - Phải có nhận xét, đánh giá về nhân vật hoặc nghệ thuật xây dựng nhân vật của tác giả ; tránh kể việc, sa vào văn tự sự. (3) Đánh giá: (Hợp) - Những đặc sắc trong nghệ thuật xây dựng nhân vật ông Sáu của nhà văn Nguyễn Quang Sáng (đặc biệt là tình huống truyện) - Ý nghĩa của nhân vật ông Sáu - Tính đúng đắn, chính xác của ý kiến, nhận định về truyện ngắn Chiếc lược ngà. c) Kết bài: - Khẳng định giá trị của ý kiến, nhận định (nếu dạng đề phân tích để làm sáng tỏ ý kiến, nhận định) - Khẳng định sự thành công của nhà văn Nguyễn Quang Sáng trong việc xây dựng nhân vật ông Sáu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà. - Ấn tượng sâu đậm của bản thân về nhân vật ông Sáu. HẾT Các em thực hiện bài luyện tập và nộp cho GVBM vào tiết học đầu tiên của môn. Điểm bài làm được tính vào cột 1 tiết (hệ số 2).