Phương pháp cho trẻ làm quen với các biểu tượng toán Khối Mầm non - Trường Mầm non Phúc Đồng

doc 16 trang thuongdo99 5560
Bạn đang xem tài liệu "Phương pháp cho trẻ làm quen với các biểu tượng toán Khối Mầm non - Trường Mầm non Phúc Đồng", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docphuong_phap_cho_tre_lam_quen_voi_cac_bieu_tuong_toan_khoi_ma.doc

Nội dung text: Phương pháp cho trẻ làm quen với các biểu tượng toán Khối Mầm non - Trường Mầm non Phúc Đồng

  1. TRƯỜNG MẦM NON PHÚC ĐỒNG TỔ CHUYÊN MÔN PHƯƠNG PHÁP CHO TRẺ LÀM QUEN VỚI CÁC BIỂU TƯỢNG TOÁN I. BIỂU TƯỢNG TẬP HỢP, SỐ LƯỢNG VÀ PHÉP ĐẾM 1. Tiết 1: Dạy trẻ đếm để nhận biết số lượng, chữ số. (Lập số mới và nhận biết chữ số) Phần 1: Ôn luyện đếm và nhận biết chữ số. - Thiết kế 1 đến 2 trò chơi: giúp trẻ ôn khả năng luyện đếm và khả năng nhận biết chữ số trong phạm vi số đã học. Phần 2: Dạy trẻ lập số và nhận biết chữ số a. Cách 1: Theo chương trình cải cách VD: Dạy trẻ lập số 6, nhận biết chữ số 6 - Chuẩn bị 6 bông hoa, 6 quả - Lấy tất cả hoa xếp hàng ngang không đếm - Lấy 5 quả, xếp dưới mỗi hoa 1 quả - Đếm số quả - So sánh số hoa và số quả xem số lượng nhóm nào nhiều hơn, ít hơn, hơn kém nhau bao nhiêu? - Tạo sự bằng nhau: Thêm 1 quả rồi đếm - Nêu các kết quả: 5 quả thêm 1 quả là 6 quả - Kết luận: 5 quả thêm 1 quả là 6 quả. Vậy 5 thêm 1 là 6 - Gọi 2, 3 trẻ nêu lại kết quả, cho cả lớp đọc nguyên tắc đọc số 5 thêm 1 là 6 - Cô cho trẻ đếm 2,3 nhóm đối tượng khác nhau có số lượng là 6 ở xung quanh lớp - Cho trẻ đếm lại số hoa và số quả - Cho trẻ so sánh số lượng 5 nhóm bằng kết quả đếm = 6 - Cô kết luận: Số 6 dùng để chỉ tất cả các nhóm có số lượng là 6 - Cô giới thiệu chữ số 6: Cho cả lớp chọn con số 6 giơ lên và đọc “Chữ số 6” - Cô và trẻ đặt thẻ chữ số 6 vào nhóm hoa, nhóm quả (mỗi nhóm 1 thẻ số) - Gọi 3 trẻ lên đọc thẻ số trong rổ đồ dùng của cô đặt vào 3 nhóm vừa đếm - Cô cho trẻ so sánh các chữ số 6 với nhau để đi đến kết luận tất cả chữ số 6 đều giống nhau và cùng là chữ số 6. - Cô kết luận: Chữ số 6 dùng để biểu thị cho tất cả các nhóm đối tượng có số lượng là 6 - Cô và trẻ cất đồ dùng (không thay thẻ số) - Cất 1, cất 2, cất 3 xong cất thẻ số (hoạt động này không liên quan đến tiết dạy, chỉ đơn thuần là cất đồ dùng hoặc có thể cất hết đều không ảnh hưởng gì đến kỹ thuật lập số) 1
  2. b. Cách 2: Theo chương trình đổi mới - VD: Lập số 6 - Xếp 5 hoa rồi đếm - Thêm 1 hoa rồi đếm, rồi nêu kết quả: 5 hoa thêm 1 hoa là 6 hoa - Xếp 5 quả rồi đếm (Có thể so sánh số lượng hai nhóm) - Thêm 1 quả đếm rồi nêu kết quả: 5 quả thêm 1 quả là 6 quả → Kết luận: 5 hoa thêm 1 hoa là 6 hoa, 5 quả thêm 1 quả là 6 quả. Vậy 5 thêm 1 là 6 - Cô gọi 2, 3 trẻ nhắc lại nguyên tắc lập số, cho cả lớp nhắc lại (5 thêm 1 là 6) - Chuẩn bị: 6 hoa, 6 quả, 2 thẻ số 6, 3 nhóm: 6 cam, 6 na, 6 xoài, 3 thẻ số 6 xung quanh lớp - Cô chỉ vào từng đối tượng của các nhóm: cam, na, xoài, cho trẻ đếm Phần 3: Luyện tập cho trẻ luyện đếm và nhận biết chữ số trong phạm vi số vừa học: Dùng 2, 3 trò chơi. Chú ý: Không sử dụng trò chơi tìm nhà, tìm bạn theo luật chơi: Ai có thẻ số nào về nhà có thẻ số đó. Không dùng vì đây chỉ là trò chơi nhận biết dấu hiệu giống nhau. + Lượt 2, cho trẻ đổi cho nhau thẻ (thẻ số lượng đối tượng) đang cầm trên tay mà không đổi thẻ nhà. (Vì sao không thay thẻ nhà? Vì tránh trẻ đi theo nhau.) VD: Mỗi trẻ 1 thẻ số đi tìm nhóm động vật xung quanh lớp và đứng vào. 2. Toán tiết 2: Dạy trẻ so sánh thêm bớt để tạo sự bằng nhau để hình thành các mối quan hệ (Quan hệ về số lượng, quan hệ giữa hai số tự nhiên, quan hệ về vi trí giữa 2 số tự nhiên) Phần 1: Ôn luyện đếm và nhận biết chữ số trong phạm vi số vừa học (sử dụng phần 3 – tiết 1) Phần 2: Hình thành các mối quan hệ * Hoạt động 1: So sánh số lượng 2 nhóm hơn kém nhau 1 đối tượng VD: So sánh thêm bớt trong phạm vi 6 Chuẩn bị: 6 hoa , 6 quả - So sánh nhóm có 6 và nhóm có 5 - Lấy 6 hoa xếp, đếm, đặt thẻ số - Lấy 5 quả xếp dưới mỗi hoa một quả, đếm, lấy thẻ số. - So sánh số lượng 2 nhóm bằng kết quả đếm. - 6 hoa và 5 quả, số lượng nhóm nào nhiều hơn, nhóm nào ít hơn, nhiều hơn bao nhiêu, ít hơn bao nhiêu? - Kết luận: 6 hoa nhiều hơn 5quả là 1 5 quả ít hơn 6 hoa là 1 - Khái quát hóa: Nhóm có 6 nhiều hơn nhóm có 5 là 1. Nhóm có 5 ít hơn nhóm có 6 là 1. - Vậy nhóm 6 nhiều hơn nhóm 5 thì số 6 và số 5 số nào lớn hơn, số nào nhỏ hơn? + Số 6 và số 5, số nào đứng trước, số nào đứng sau? 2
  3. → Kết luận: Số 5 nhỏ hơn số 6 nên số 5 đứng trước số 6. Số 6 lớn hơn số 5, nên số 6 đứng sau số 5. - Gọi 2 - 3 trẻ nhắc lại mối quan hệ lớn hơn, nhỏ hơn. - Muốn số hoa bằng số quả thì làm như thế nào ? + Bớt 1 hoa + Thêm 1 quả - Bớt 1 hoa → hoa = quả = 5 (cô làm) - Thêm 1 quả → hoa = quả = 6 (trẻ làm) (có thể dùng 3, 4 nhóm, tuy nhiên vì phải cất nhóm cũ đi nên không dùng cách này, quá mất thời gian) * Hoạt động 2: So sánh số lượng 2 nhóm hơn kém nhau 2 đối tượng - VD: Số 6 - Cho trẻ cất 2 hoa, đếm, thay thẻ số. - Đếm số quả, so sánh 4 hoa và 6 quả. → Kết luận: 4 hoa ít hơn 6 quả và ít hơn là 2 6 quả nhiều hơn 4 hoa và nhiều hơn là 2 → Cô kết luận: Nhóm có 6 nhiều hơn nhóm có 4 là 2 Nhóm có 4 ít hơn nhóm có 6 là 2 - Làm thế nào để số hoa bằng với số quả? + Bớt 2 quả (cô) + Thêm 2 hoa (trẻ) → Kết luận: Có 6 muốn còn 4 bớt 2 Có 4 muốn có 6 thêm 2 (so sánh số tự nhiên không dùng trong hoạt động 2 chỉ dùng trong hoạt động 1) * Hoạt động 3: Cất đồ dùng, HĐ này không có ý nghĩa trong tiết học (làm như T1) Phần 3: Luyện tập (Sử dụng trò chơi gợi ý sau) - Trò chơi thêm và bớt - Trò chơi quan hệ số tự nhiên : số lớn hơn , số nhỏ hơn - Trò chơi: vị trí, thứ tự các số, nối số theo thứ tự - Cho số tùy ý sắp xếp các số theo thứ tự - Tìm số đứng trước, đứng sau, số liền trước, liền sau. 3
  4. *Có những tiết học giảm bớt 1 trong 3 yêu cầu của tiết như mục đích ban đầu 3. Gợi ý tiết mở: Dạy trẻ so sánh số lượng 2 – 3 nhóm để hiểu và diễn đạt mối quan hệ nhiều nhất, ít nhất - Có các cách so sánh: + Ghép tương ứng (không đếm) + Bằng kết quả đếm - Ít nhất khi ít hơn tất cả nhóm - Ít nhất khi nhiều hơn tất cả nhóm Phần 1: Ôn luyện đếm và nhận biết chữ số Sử dụng 1 - 2 trò chơi Phần 2: Dạy trẻ so sánh số lượng * Hoạt động 1: So sánh số lượng 2 nhóm khác nhau 1 đối tượng * Mức 1: So sánh bằng ghép đôi. - Xếp tất cả hoa - Xếp dưới mỗi hoa 1 quả - So sánh số hoa như thế nào với số quả (không bằng nhau) - Số lượng nhóm nào nhiều hơn vì sao? - Thừa mấy hoa? - Vậy số hoa nhiều hơn số quả là mấy? → Kết luận: Thừa 1 hoa, vì hoa nhiều hơn quả là 1. - Số lượng nhóm nào ít hơn? – quả ít hơn hoa. - Vì sao? Thiếu quả. - Thiếu mấy quả? - Số quả ít hơn số hoa là mấy? là 1 → Kết luận: thiếu 1 quả nên số quả ít hơn số hoa là 1 + Mức 2: So sánh bằng kết quả đếm - Cho trẻ đếm số hoa: 6 hoa - Đếm số quả: 5 quả - So sánh: 6 hoa và 5 quả số lượng nhóm nào nhiều hơn, và nhiều hơn mấy? Số lượng nhóm nào ít hơn, ít hơn mấy? → Kết luận: 6 hoa nhiều hơn 5 quả là 1; 5 quả ít hơn 6 hoa là 1 - Kết luận: Nhóm có 6 nhiều hơn nhóm có 5 là 1. Nhóm có 5 ít hơn nhóm có 6 là 1. * Hoạt động 2: So sánh số lượng 3 nhóm khác nhau - Cho trẻ chuẩn bị 3 nhóm. VD: 5 cam, 6 na, 7 xoài, cho trẻ xếp theo thứ tự tăng dần, giảm dần hoặc tùy ý. * Mức 1: So sánh bằng ghép tương ứng từng cặp + Số lượng cam, na xoài như thế nào so với nhau (hỏi câu này với trẻ khá) + Với trẻ kém: hỏi 3 lần: Xoài như thế nào so với cam? Vì sao? Xoài như thế nào so với na? Vì sao? Xoài như thế nào so với cam và na? → Kết luận: Xoài nhiều nhất vì xoài nhiều hơn cam và na + Gọi 3 trẻ trả lời + Số lượng nhóm nào nhiều nhất? Vì sao? Vì xoài nhiều hơn cả cam và na 4
  5. → Kết luận: Xoài nhiều nhất - Kết quả: Nhóm nào nhiều nhất khi nhiều hơn tất cả nhóm khác + Số lượng nhóm nào ít nhất * Mức 2: So sánh bằng kết quả đếm. + Đếm cam, na, xoài gắn thẻ số + Số lượng các nhóm như thế nào? (Không bằng nhau) + Vì sao biết? (Các số không bằng nhau) + Trẻ kém: Số xoài như thế nào so với cam? Xoài như thế nào so với na? Xoài như thế nào so với cam và na? Vậy 7 quả xoài thì nhiều hơn mấy quả cam? 7 quả xoài thì nhiều hơn mấy quả na? (Phần gạch chân là chỉ cách dùng từ để hỏi cho trẻ kém. Lúc đầu dùng từ "số", sau kết luận lại ta dùng kết quả - "7") + Trẻ khá: Có mấy quả xoài, mấy quả cam, mấy quả na? Số lượng nhóm nào nhiều nhất? Vì sao? Vì số lượng nhóm xoài nhiều nhất, 7 lớn nhất so với 6 và 5. Phần 3: Luyện tập - Cho trẻ tìm 2 - 3 nhóm đối tượng có số lượng khác nhau. Sau đó cho trẻ so sánh số lượng các nhóm bằng kết quả đếm, giải thích kết quả bằng ghép tương ứng. Nêu kết quả. - VD: Trẻ tìm được 6 thỏ, 8 mèo. + Số lượng nhóm nào nhiều hơn? Nhóm nào ít hơn? Ít hơn mấy? + Trả lời: 8 mèo nhiều hơn 6 thỏ. Vì số 8 > 6 6 thỏ ít hơn 8 mèo. Vì số 6 < 8 → Kết thúc: Ghép cứ mỗi mèo với 1 thỏ (Ghép bằng bất cứ hình thức nào, không cần xếp hàng ngang, cứ thấy thừa là được ) - Cho trẻ tạo ra 2 - 3 nhóm đối tượng có số lượng khác nhau (mỗi trẻ tìm 1 nhóm có số lượng → mỗi trẻ 1 thẻ số: Tạo 3 - 4 nhóm, so sánh số lượng các nhóm, số lượng nhóm nào ít hơn? Ít hơn mấy?) 5
  6. Tiết 3: (Số lượng và phép đếm) Dạy trẻ tách - gộp nhóm có đối tượng I. Mục đích: - Dạy trẻ biết có tất cả bao nhiêu cách tách - gộp, kết quả từng cách như thế nào? II. Phương pháp dạy: Phần 1: Dạy trẻ tách 1 nhóm thành 2 nhóm Bước 1: Cho trẻ đếm số lượng cả nhóm cần tách Bước 2: Hướng dẫn trẻ tách 1 nhóm thành 2 nhóm. Gồm 2 hình thức (Giáo viên lựa chọn 1 trong 2 hình thức) + HT1: Tách theo yêu cầu của cô (Cả lớp có chung 1 kết quả) + HT2: Tách theo ý thích của trẻ (Có thể có nhiều kết quả) Bước 3: Cho trẻ đếm số lượng từng nhóm vừa tách, xem mỗi nhóm có bao nhiêu đối tượng? (đối với lớp nhỡ và lớn cho trẻ lấy số thẻ tương ứng với số lượng đặt vào từng nhóm) Bước 4: Nêu kết quả: Mức 1: Nêu kết quả cụ thể (trẻ nêu) Mức 2: Nêu kết quả tổng quát (cô nêu) Nội dung nêu kết quả: Nếu tách 1 nhóm có đối tượng thành 2 nhóm thì nhóm này có đối tượng còn nhóm kia có đối tượng. * Chú ý: + Nếu trong bước 2 cô cho trẻ tách theo ý thích thì trong bước 4 cô gọi trẻ đại diện từng cách tách nêu kết quả, còn cô gắn các cặp thẻ số tương ứng với số lượng từng nhóm lên bảng. Sau khi cho trẻ đại diện nêu kết quả xong, cô chỉ vào thẻ số trên bảng và kết luận: Nếu tách 1 nhóm có đối tượng thành 2 nhóm thì có nhiều cách để tách, mỗi cách tách có 1 kết quả khác nhau. Tất cả các cách mà các con đã làm đều đúng. + Nếu trong bước 2 cô cho trẻ tách theo ý thích, trẻ trong lớp làm được bao nhiêu cách, cô gọi bấy nhiêu đại diện nêu kết quả. Nếu còn cách nào mà trẻ chưa làm thì cô không cần phải làm nốt. Bước 5: Cô hướng dẫn trẻ tách 1 nhóm thành 2 nhóm bằng tất cả các cách khác nhau theo yêu cầu của cô. Sau khi cho trẻ làm bằng tất cả các cách, cô cho trẻ đếm số cách tách, đọc kết quả từng cách tách và cho trẻ nêu nhận xét bằng 2 câu hỏi: + Nếu tách 1 nhóm có đối tượng (5 quả cam) thành 2 nhóm thì có bao nhiêu cách tách? + Kết quả từng cách như thế nào? Phần 2: Dạy trẻ gộp 2 nhóm thành 1 nhóm Bước 1: Đếm số lượng từng nhóm cần gộp Bước 2: Cho trẻ gộp 2 nhóm thành 1 nhóm theo yêu cầu của cô Bước 3: Cho trẻ đếm số lượng cả nhóm vừa gộp. Bước 4: Nêu kết quả: Nếu gộp 1 nhóm có đối tượng với 1 nhóm có đối tượng thì được 1 nhóm có đối tượng. 6
  7. Bước 5: Cô hướng dẫn trẻ gộp 2 nhóm thành 1 nhóm bằng tất cả các cách khác nhau. Sau khi cho trẻ làm bằng tất cả các cách, cô cho trẻ đếm số cách gộp, đếm kết quả từng cách gộp và nêu kết quả. + Nếu gộp 2 nhóm thành 1 nhóm có đối tượng thì có tất cả bao nhiêu cách gộp? + Kết quả từng cách như thế nào? III. Nội dung dạy theo từng lứa tuổi - Mẫu giáo bé: Dạy từ bước 1 đến bước 3 - Mẫu giáo nhỡ: Dạy từ bước 1 đến bước 4 - Mẫu giáo lớn: Dạy tất cả các bước. * Chú ý: 1. Trong 1 tiết, dạy cả 2 nội dung tách và gộp 2. Nếu trong bước 2 cô cho trẻ tách theo ý thích thì sau khi cho trẻ đại diện nêu các cách tách, nêu kết quả và cô kết luận. Cô cho lần lượt từng cách tách, gộp 2 nhóm thành 1 nhóm theo yêu cầu của cô. IV. Các ví dụ cụ thể VD1: Dạy trẻ tách và gộp theo ý thích nhóm có số lượng là 6 a. Chuẩn bị: - Trẻ: 6 cam, 2 đĩa, thẻ số từ 1 đến 6, 2 thẻ số 3 (không có mẫu cam và đĩa của cô) - Cô: Các thẻ số từ 1- 6 trong đó có 2 thẻ số 3. b. Dạy trẻ: P.1. Tách nhóm có 6 đối tượng thành 2 nhóm theo ý thích Bước 1: Lấy tất cả cam, đếm (6 cam). Cô gắn thẻ số 6 lên bảng. Bước 2: Hãy bầy cam vào 2 đĩa theo ý thích. Bước 3: Đếm xem mỗi đĩa có mấy cam, lấy thẻ số tương ứng đặt vào từng đĩa. Bước 4: Nêu kết quả, bày 6 cam vào 2 đĩa, mỗi đĩa có mấy quả cam? (cô gọi đại diện từng cách bầy nêu kết quả. Còn cô gắn các thẻ số tương ứng với số lượng từng nhóm lên bảng) VD: Trẻ A: con bầy 1 đĩa 1 cam, 1 đĩa 5 cam Cô gắn thẻ số 1, 5 lên bảng Trẻ B: 1 đĩa 2 cam, 1 đĩa 4 cam Cô gắn thẻ số 2,4 lên bảng Trẻ C: 1 đĩa 3 cam, 1 đĩa 3 cam Cô gắn 2 thẻ số 3 lên bảng + Còn ai có cách khác không? Có: 1 đĩa 4 cam, 1 đĩa 2 cam.→ cô chỉ cho trẻ thấy 4 - 2 và 2 - 4 là chỉ số lượng 2 nhóm nên đây chỉ là một cách tách. → Kết luận: Cô chỉ vào các cặp số trên bảng và nói nếu tách 1 nhóm có 6 thành 2 nhóm thì có nhiều cách để tách. + Mỗi cách tách có một kết quả khác nhau + Tất cả các cách mà con làm đều đúng P.2. Gộp 2 nhóm thành 1 nhóm: Bước 1: Cho trẻ đếm lại số cam ở mỗi đĩa: Hãy đếm xem mỗi đĩa có mấy quả cam ? Bước 2: (Gộp nhóm thứ nhất, nhóm nào tùy cô chọn) 7
  8. Cô yêu cầu các con có: 1 đĩa 1 cam, 1 đĩa 5 cam cho cô biêt, muốn có 6 cam làm thế nào? Xếp 1 cam vào đĩa 5 cam → Đếm xem có mấy quả cam? (cất thẻ số 1 và thẻ số 5, thay bằng thẻ số 6) Bước 5: Cô kết luận gộp nhóm có 1 với nhóm có 5 được nhóm có 6 Lần 2: Cho trẻ gộp nhóm 2 – 4 Lần 3: Cho trẻ gộp nhóm 3 – 3 → Kết luận có nhiều cách để gộp 2 nhóm với nhau được 2 nhóm là 6 Chú ý: Nếu trong bước 2 cô cho trẻ tách theo yêu cầu của cô thì sau khi thực hiện xong bước 4 cô cho trẻ gộp ngay 2 nhóm với nhau thành 1 nhóm. VD2: Dạy trẻ tách rồi gộp nhóm có số lượng 7 theo yêu cầu của cô a. Chuẩn bị: Trẻ: Mỗi trẻ 7 bông hoa, các thẻ số từ 1 - 7 Cô: Thẻ số từ 1 - 7 b. Dạy trẻ *Lần 1: Cho trẻ tách rồi gộp nhóm có 1 và 6 đối tượng - Tách: + Bước 1: Lấy tất cả hoa ra đếm xem có mấy hoa (cô gắn thẻ số 7 lên bảng) + Bước 2: Cô hướng dẫn trẻ xếp 7 bông hoa thành 2 hàng, sao cho 1 hàng có 1 hoa, 1 hàng có số hoa còn lại. + Bước 3: Đếm xem mỗi hàng có mấy hoa, lấy thẻ số đặt vào (cho cả lớp đếm số hoa từng hàng) + Bước 4: Nêu kết quả, xếp 7 hoa thành 2 hàng, mỗi hàng có mấy hoa? (cô gọi 2-3 trẻ trả lời, còn cô gắn thẻ số 1, 6 lên bảng) → Cô kết luận: Tách 1 nhóm có 7 thành 2 nhóm thì 1 nhóm có 1, còn 1 nhóm có 6 - Gộp: - Bước 1: Đếm lại xem mỗi hàng có mấy hoa (cho cả lớp đếm số hoa từng hàng từ 1 đến 2) + Bước 2: 1 hàng có 6 hoa, một hàng có 1 hoa, muốn có 7 hoa thì làm thế nào? → thêm 1 hoa. → Xếp 1 hoa vào hàng 6 hoa. + Bước 3: Đếm xem có tất cả mấy hoa? (cho trẻ cất thẻ số 1 và 6, đặt thẻ số 7) + Bước 4: Nêu kết quả: Gộp 1 hoa với 6 hoa được mấy hoa? + Cô kết luận: Gộp nhóm có 1 với nhóm có 6 được nhóm có 7. * Lần 2: Tách rồi gộp nhóm có 2 - 5 * Lần 3: Tách rồi gộp nhóm có 3 - 4 → Cô cháu mình vừa tách nhóm có 7 thành 2 nhóm, có những cách nào? Cô cháu mình vừa gộp 2 nhóm thành 1 nhóm có số lượng là 7 có những cách nào? - Ngoài 3 cách đã làm còn có cách nào khác không? - Cô chỉ vào các cặp thẻ số trên bảng - Cho trẻ đếm các số tách, gộp. Đọc kết quả từng cách tách và gộp Cô nêu kết quả: - Nếu tách 1 nhóm có 7 đối tượng thành 2 nhóm thì có tất cả các cách + Cách 1: Nhóm này có 1 thì nhóm kia có 6 + Cách 2: Nhóm này có 2 thì nhóm kia có 5 8
  9. + Cách 3: Nhóm này có 3 thì nhóm kia có 4 - Nếu gộp 2 nhóm với nhau thành 1 nhóm có 7 thì có tất cả 3 cách + Cách 1: Gộp 1 với 6 + Cách 2: Gộp 2 với 5 + Cách 3 : Gộp 3 với 4 Cô gọi 1 số trẻ nêu kết quả + Nếu tách 1 nhóm có 7 đối tượng thành 2 nhóm thì có tất cả mấy cách? Kết quả từng cách như thế nào? + Nếu gộp 2 nhóm thành 1 nhóm thì 1 nhóm có 7 thì có tất cả mấy cách? Kết quả từng cách như thế nào? V. Cấu trúc giáo án: Phần 1: Ôn luyện đếm và nhận biết chữ số trong phạm vi nhóm cầm tách, gộp (sử dụng phần 3 tiết 1) chọn 1 – 2 trò chơi. Phần 2 : Dạy trẻ tách và gộp + Hoạt động 1: Dạy trẻ tách gộp theo ý thích + Hoạt động 2: Tách gộp theo yêu cầu Giáo án hay: Thêm hoạt động 3 mở rộng: Cho trẻ tách gộp thành nhiều hơn 2 nhóm (3,4,5 cách ), hướng dẫn trẻ làm theo ý thích ( thành 3 nhóm có những cách nào?). Tách gộp theo dấu hiệu (có thể 2 nhóm, nhiều nhóm ) Phần 3: Luyện tập: Thiết kế 2 trò chơi hoặc hoạt động tách 1 nhóm thành 2 nhóm bằng tất cả các cách khác nhau, phải cho trẻ nêu được kết quả, có bao nhiêu cách? Kết quả từng cách? VD: Trò chơi 1: + Khoanh tròn nhóm có 7 + Chia các nhóm có 7 thành 2 phần bằng các cách khác nhau Kết luận: Nhóm nào có 7? Đã chia như thế nào? Cách chia có khác nhau không? Đã tách bằng bao nhiêu cách? Trò chơi 2: Gộp 2 nhóm thành 1 nhóm bằng các cách khác nhau. Trẻ chơi xong phải nêu được kết quả: Gộp mấy với mấy để được 7? Có tất cả bao nhiêu cách? Phần 4: Mở rộng: Tách gộp thành nhiều nhóm hơn. (Phần này có thể thực hiện thêm cho giáo án hay hơn, đây là nội dung không bắt buộc thực hiện). 9
  10. II. PHƯƠNG PHÁP DẠY TRẺ NHẬN BIẾT, PHÂN BIỆT CÁC KHỐI (Nội dung này chỉ dạy trẻ khối lớn. Các khối: Bé, Nhỡ không dạy trẻ nhận biết khối trong chương trình GDMN mới) * Khái quát chung - Khối cầu: Tất cả mặt bao đều cong - Khối trụ: Mặt bao xung quanh cong, mặt bao hai đầu phẳng - Khối vuông: Có 6 mặt, tất cả các mặt đều hình vuông - Khối chữ nhật gồm 2 loại: + Có 6 mặt tất cả mặt đều là hình chữ nhật + Có 6 mặt 4 mặt chữ nhật, 2 mặt vuông - Mẫu giáo lớn dạy trẻ nhận biết phân biệt các khối theo mặt bao. Tiết 1: Dạy trẻ nhận biết phân biệt khối cầu, khối trụ Phần 1: Dạy trẻ nhận biết khối theo mẫu và tên gọi - Cô gọi khối theo mẫu cho trẻ quan sát - Cho trẻ chọn khối theo mẫu giơ lên - Cô giới thiệu tên gọi của khối - Cô cho trẻ giơ khối và đọc tên của khối 2,3 lần - Sau khi cho trẻ nhận biết 2 khối cô yêu cầu trẻ : + Cô gọi khối nào trẻ nói tên khối đó + Cô nói tên khối nào trẻ chọn khối đó giơ lên Phần 2: Dạy trẻ nhận biết phân biệt các khối * Hoạt động 1: Cho trẻ sờ mặt bao từng khối: - Cho trẻ chọn khối cầu + Cô giới thiệu mặt bao của khối cầu + Cô hướng dẫn trẻ sờ mặt bao khối cầu: mặt bao như thế nào? Có chỗ nào phẳng không ? + Cho trẻ nêu kết quả: tất cả mặt bao khối cầu đều cong - Cho trẻ chọn khối trụ: + Cô giới thiệu vị trí mặt bao xung quanh và mặt bao hai đầu + Cô hướng dẫn trẻ sờ mặt bao xung quanh, nêu nhận xét: mặt bao xung quanh cong + Sờ mặt bao hai đầu nêu nhận xét: mặt bao hai đầu phảng - Nêu đặc điểm mặt bao khối trụ: khối trụ có mặt bao xung quanh cong, mặt bao 2 đầu phẳng - Cô kết luận: Nêu đặc điểm mặt bao từng khối: + Khối cầu: Tất cả mặt bao cong + Khối trụ: Mặt bao xung quanh cong, mặt bao 2 đầu phẳng * Hoạt động 2: Lăn khối 10
  11. - Cho trẻ chọn khối cầu, hướng dẫn trẻ lăn khối cầu, lăn trước lăn sau, tùy ý, cho trẻ nêu kết quả: Khối cầu lăn được giải thích kết quả: Tại sao lăn được? vì mặt bao xung quanh cong - Cho trẻ chọn khối trụ : - Lần 1: Cô hướng dẫn trẻ đặt nằm khối trụ, hướng dẫn trẻ lăn khối trụ theo chiều mặt bao cong (có thể cho trẻ lăn tùy ý và nhận xét nhiều trường hợp), nêu kết quả: có lăn được, giải thích kết quả: Tại sao lăn được? Vì mặt bao xung quanh cong. - Lần 2: Cô hướng dẫn trẻ đặt đứng khối trụ và lăn, nêu kết quả: Không lăn được, giải thích kết quả tại sao? Cô kết luận: Khối cầu lăn được về mọi phía vì tất cả mặt bao đều cong. Còn khối trụ: Đặt nằm, lăn được vì mặt bao xung quanh cong, đặt đứng không lăn được vì mặt bao 2 đầu phẳng * Hoạt động 3: cho trẻ chồng 2 khối lên nhau - Cách đơn giản nhất: Chồng khối cầu – khối cầu, khối trụ - khối trụ (có nhiều cách khác nhau, tuy nhiên khó xử lý) - Lần 1: Cho trẻ chồng hai khối cầu lên nhau: Nêu kết quả: Có chồng được không? Giải thích kết quả vì sao không chồng được? Vì tất cả mặt bao đều cong. - Lần 2: Cho trẻ chồng hai khối trụ lên nhau. - TH1: Đặt nằm hai khối trụ: Nêu kết quả: Không chồng được, giải thích kết quả. Vì sao không chồng được? Vì mặt bao xung quanh cong. - TH2: Đặt đứng hai khối trụ chồng lên nhau, cho trẻ nêu kết quả: Chồng được, giải thích tại sao chồng được? Vì hai đầu là mặt phẳng. - Cô kết luận: Khối cầu không chồng được lên nhau vì tất cả mặt bao đều cong. + Khối trụ đặt nằm không chồng được lên nhau vì mặt bao xung quanh cong, đặt đứng chồng được vì mặt bao hai đầu phẳng. + Khối trụ đặt đứng chồng lên nhau được vì mặt bao 2 đầu phẳng. * Hoạt động 4: Cho trẻ nêu đặc điểm từng khối, sự giống nhau, khác nhau của 2 khối - Nêu đặc điểm: Cô gọi 2- 3 trẻ nêu đặc điểm từng khối + Khối cầu: Tất cả các mặt bao đều cong + Khối trụ: Mặt bao xugn quanh cong, mặt bao 2 đầu phẳng - Tìm sự giống và khác nhau + Giống nhau: Cả hai khối đều có mặt bao cong + Khác nhau: Khối cầu: Có tất cả các mặt bao cong Khối trụ: Có 2 mặt bao phẳng Phần 3: Luyện tập: - Loại TC1: Cho trẻ nhận biết, phân biệt các khối theo đặc điểm mặt bao. Cô nêu đậc điểm khối, trẻ chọn khối, nói tên. + Cô nói tên, trẻ chọn khối bằng xúc giác (Rổ để ở phía sau hoặc chơi chiếc túi kỳ lạ). Sau đó cho trẻ giải thích cách làm. VD: Hãy cho tay vào túi và lấy cho cô khối cầu. Không nhìn tại sao con lấy được khối cầu?/ Tại sao con biết đây là khối cầu?, - Loại TC 2: Tìm đồ vật có dạng giống các khối. -> Nêu kết quả: Tìm được cái gì? Đồ vật đó giống khối gì? Tại sao con biết? (Nêu đặc điểm khối) 11
  12. - Loại TC 3: Dùng các khối xếp thành các đồ vật sau đó nêu kết quả: Xếp được cái gì? Xếp được những khối gì? - Loại TC 4: Cho trẻ nặn các khối, Nêu KQ: Nặn được cái gì? Nặn như thế nào? Tại sao phải ? Sao không đập bẹt? Tại sao phải lăn dọc? Vì sao không đập bẹt 2 đầu? Tiết 2: Dạy trẻ nhận biết - Phân biệt Khối vuông và khối chữ nhật Phần 1: Dạy trẻ nhận biết khối theo mẫu và tên gọi (Giống tiết 1) Phần 2: Dạy trẻ nhận biết, phân biệt các khối (Giáo án trang 99 - 102, Sách phương pháp * Lưu ý: Bỏ đi phần 1- Ôn tập theo tài liệu. Vì đó là tài liệu cũ, trước đây có dạy trẻ MGN nhận biết khối, nay không dạy nên không có hoạt động ôn). Tiết 3: Ôn tập nhận biết khối cầu, khối trụ, khối vuông, khối chữ nhật * Hoạt động 1: Ôn nhận biết các khối theo đặc điểm mặt bao + Cô nêu đặc điểm, trẻ chọn khối, nói tên + Cô giơ khối trẻ nêu đặc điểm * Hoạt động 2: Phân loại các khối theo đặc điểm mặt bao (Dạy trẻ tạo nhóm theo dấu hiệu) - Mỗi trẻ phải có ít nhất 4 loại khối. Mỗi khối nhiều hơn số trẻ. Vì trẻ thường chơi nhóm. - Mức 1: Phân loại theo tên gọi - Mức 2: Phân loại theo đặc điểm chung + Chọn cho cô các khối có mặt bao cong. Giải thích tại sao? + Chọn cho cô các khối có mặt bao phẳng. Giải thích. + Chọn các khối có 6 mặt. + Chọn các khối có mặt vuông * Hoạt động 3: Cho trẻ tạo ra các đồ vật từ các khối * Hoạt động 4: Cho trẻ tạo ra các khối bằng các hoạt động tạo hình: Cầu, trụ, vuông, chữ nhật: Nặn. Khối vuông, chữ nhật có thể dán. Trả lời: Dán được những gì? Dán bằng hình gì? Tại sao lại dán như vậy? * Hoạt động 5: Chọn khối bằng xúc giác - Mức độ 1: Thò tay vào túi kín, lấy 1 khối mình thích. Đưa khối ra ngoài mới nói tên: Đây là khối gì? (Nhận biết theo mẫu) 12
  13. - Mức độ 2: Cô nói tên, trẻ chọn khối, nêu đặc điểm, giải thích cách làm: Tại sao không nhìn mà con lấy được? - Mức độ 3: Cho trẻ chọn hết 1 loại khối theo yêu cầu của cô - Mức độ 4: Sờ và đoán trong hộp có bao nhiêu loại khối. (Tại sao con biết chỉ có 2 loại khối?) - Mức độ 5: Hoạt động sáng tạo, mở rộng: + Cho trẻ khám phá đặc điểm khối, mối quan hệ giữa đặc điểm khối với kết quả các hoạt động: Cho trẻ lăn khối, chồng khối 1 cách tùy ý. + Sau khi thực hiện hoạt động, cho trẻ giải thích KQ: Có lăn được không? Vì sao không lăn được? Chồng được không? Chồng được khối gì với khối gì? Tại sao làm thế này thì không chồng được còn làm như thế kia thì chồng được? III. PHƯƠNG PHÁP DẠY TRẺ SẮP XẾP THEO QUY LUẬT * Khái quát chung - Sắp xếp theo quy luật là sắp xếp theo 1 trình tự nhất định - Cần làm được các công việc sau: + Xác định tên các đối tượng định sắp xếp. + Xác định số lượng các đối tượng và thứ tự các đối tượng trong 1 chu kỳ VD: Có 3 đối tượng: Cam, na, nho. Thứ tự sắp xếp: Na - Nho - Cam Số lượng: 2 na - 1 nho - 1 cam. * Trình tự dạy trong tiết học như sau: B1: Cho trẻ nhận biết tên gọi các đối tượng cần sắp xếp B2: Cho trẻ quan sát mẫu (Là các đối tượng vật thật có sẵn hoặc có trong tranh ảnh hoặc do cô giáo làm mẫu) + Cho trẻ đọc tên từng đối tượng trong dãy. + Cô gợi ý để trẻ nêu quy tắc. Quy tắc cụ thể: 2 na - 1 nho - 1 cam Quy tắc khái quát: 2 - 1 - 1. B3: Cô và trẻ cùng xếp 1 - 2 chu kỳ. Sau đó cho trẻ nêu quy tắc và xếp tiếp các chu kỳ còn lại B4: Trẻ xếp theo yêu cầu của cô + Yêu cầu cụ thể: Hãy xếp theo thứ tự: Cứ 1 cam, đến 2 nho, rồi đến 1 táo. + Yêu cầu khái quát: Hãy xếp theo quy tắc 1 - 1 - 1 13
  14. B5: Cho trẻ quan sát mẫu có sẵn. Nêu quy tắc sắp xếp của mẫu. Cất mẫu đi sau vài phút và sắp xếp theo quy tắc vừa nêu. B6: Trẻ sắp xếp theo ý thích và nêu quy tắc đã xếp. * Mức độ thực hiện: + MGB: Cho trẻ làm từ bước 1 đến bước 3. Với những trẻ khá cho trẻ làm đến B4. Chỉ làm 2 đối tượng/1 chu kỳ. Số lượng đối tượng trong 1 chu kỳ: 1 -> 3 + MGN: Cho trẻ làm từ bước 1 -> bước 6. Yêu cầu trẻ có sự sáng tạo. Làm 3 đối tượng với 1 chu kỳ. + MGL: Cho trẻ làm từ bước 1 -> bước 6. Yêu cầu trẻ có sự sáng tạo. Làm 3 đối tượng trở lên với 1 chu kỳ. Chú ý: Tên gọi các đối tượng trong mỗi chu kỳ có thể là tên gọi riêng (gà, voi, cá, ) nhưng cũng có thể là dấu hiệu chung của nhóm. VD: + Tên gọi riêng: Gà, Voi, Cá -> quy tắc: Gà - Voi - Cá + Dấu hiệu chung: 2 chân, 4 chân, không chân. -> quy tắc: Gà - Voi - Cá - Vịt - Mèo - Cá - Gà - Voi - Ốc - IV. PHƯƠNG PHÁP DẠY TRẺ ĐO THỂ TÍCH CỦA 1 VẬT * Khái quát chung: - Thể tích của 1 vật có thể đo bằng chất lỏng hoặc chất rắn. - Đo là 1 hoạt động gồm có quá trình đo và xác định kết quả đo. + Kết quả đo = Kết quả đếm + đơn vị đo. * Trình tự dạy trẻ kỹ năng đo (Dạy trẻ thực hiện quá trình đo và xác định kết quả đo) trong tiết học như sau: 1. Phần 1: Thực hiện quá trình đo - Bước 1: Dạy trẻ xác định đối tượng đo, xác đinh đơn vị đo, cách đo VD: Đề tài: Dạy trẻ đong gạo, đỗ, lạc. (Đây là phương tiện) + Đối tượng đo: thùng, hộp, rổ, rá, + Đơn vị đo: Cốc, chén, bơ, - Bước 2: Hướng dẫn trẻ thực hiện các thao tác đo. + Kỹ thuật đong/ đo: Nếu sử dụng chai trong -> Vạch lên thành chai, sau khi đong xong, đếm khoảng. Nếu sử dụng chai kín -> Lấy đối tượng thay thế. - Bước 3: Xác định kết quả đo: Cho trẻ đếm số lần đo. Dạy trẻ cách nêu kết quả đo. VD: Cái hộp bằng 5 lần cái bơ. Cho trẻ chọn thẻ số tương ứng với KQ. 14
  15. 2. Phần 2: Luyện tập đo để hình thành các mối quan hệ. - QH 1: Đo các đối tượng khác nhau nhưng có kích thước bằng nhau bằng 1 đơn vị đo thì kết quả đo là bằng nhau và ngược lại. - QH 2: Đo các đối tượng có kích thước khác nhau bằng 1 đơn vị đo thì đối tượng nào có kích thước lớn hơn đo được nhiều lần hơn. Đối tượng nào có kích thước nhỏ hơn đo được ít lần hơn và ngược lại. - QH 3: Đo 1 đối tượng bằng các thước đo có kích thước khác nhau thì thước đo nào lớn hơn đo được ít lần hơn. Thước đo nào có kích thước nhỏ hơn đo được nhiều lần hơn. * Mức độ dạy: - MGB: Không dạy trẻ đo/ đong. - MGN: Dạy trẻ kỹ năng đo, chỉ yêu cầu trẻ nêu kết quả đo. Không nêu mối quan hệ. VD: Sau khi đo, bình mầu xanh được 8 cốc, bình mầu đỏ được 6 cốc. Chỉ hỏi trẻ: Bình nào đo được nhiều hơn? Bình nào đo được ít hơn? - MGL: Cho trẻ luyện tập đo để hình thành các mối quan hệ + Cho trẻ đo. Nêu kết quả đo. So sánh các kết quả đo. Giải thích kết quả để nêu các mối quan hệ. * Lưu ý: + Khi dạy hoạt động 2 - Phần 1 của tiết học (Đối với MGN,L), cô cần chọn đơn vị đo và đối tượng đo sao cho kết quả đo là nguyên lần và nhỏ hơn hoặc bằng 10. Còn trong phần luyện tập, không bắt buộc phải như vậy. + Đối với MGL: Sau khi cho trẻ giải thích kết quả để nêu các mối quan hệ, cô cần kiểm tra lại bằng kỹ năng so sánh trực tiếp. VD: Đổ nước trực tiếp từ bình 1 sang bình 2 và nhận xét: Nếu bình 2 đã đầy mà vẫn còn thừa nước ở bình 1 thì bình 1 to hơn bình 2. Ngược lại, nếu đổ nước từ bình 2 sang bình 1 mà thiếu nước ở bình 1 (chưa đầy) thì bình 2 nhỏ hơn bình 1. * Lưu ý: Thời gian của 1 tiết toán đối với MGL thường được tổ chức trong khoảng từ 30 - 35'. Cụ thể: P1: 6 - 7' P2: 14 - 16' P3: 10 - 12' (Tài liệu do Tổ chuyên môn trường mầm non Phúc Đồng biên tập, dựa trên hướng dẫn của giảng viên Đinh Thị Nhung - Trường CĐSPTW. Chỉ lưu hành nội bộ) 15